Phóng viên:
Theo bác sĩ, trong thời điểm hiện tại, các biện pháp phòng dịch nào được khuyến cáo thực hiện trong cộng đồng? Bác sỹ Lê Hoàng Nam: Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, đã xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng. Các biện pháp phòng, chống virus SARS-CoV-2 được Bộ Y tế khuyến cáo, bao gồm: Người có các triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người; tránh tiếp xúc với người bị bệnh.
Khi cần tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.
Cần giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; thường xuyên súc họng bằng nước sát khuẩn miệng; tăng cường thông khí nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.
Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác; tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao... Đặc biệt, người dân nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.
PV: Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang để phòng bệnh. Vậy các loại khẩu trang nào phù hợp, khi nào thì cần thiết và sử dụng như thế nào cho đúng?
Bác sỹ Lê Hoàng Nam: Đối với người khỏe mạnh, không có các triệu chứng bệnh về đường hô hấp thì chỉ cần đeo khẩu trang y tế thông thường hoặc khẩu trang vải khi đến các khu vực tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. Theo đó, khẩu trang y tế thường có từ 2-4 lớp, lớp ngoài là vải hoặc giấy, giữa là than hoạt tính hoặc lớp lọc khuẩn. Tùy theo nhà sản xuất, nhưng với khẩu trang y tế chỉ nên sử dụng một lần.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân chỉ đeo khẩu trang y tế trong các trường hợp như: Khi chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi... nhưng không thuộc đối tượng nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, ví dụ Covid-19; khi được chỉ định tự theo dõi, cách ly tại nhà hoặc khi đi thăm hỏi, khám, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Đôi khi, việc đeo khẩu trang y tế khi không có chỉ định gây lãng phí và có thể tạo cảm giác yên tâm "ảo", khiến bỏ qua áp dụng các biện pháp bảo vệ quan trọng như rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh vật dụng, đồ dùng.
Để phòng ngừa lây nhiễm Covid-19, với những người không trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân đã xác định nhiễm bệnh hoặc các trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19 thì chỉ nên sử dụng khẩu trang y tế thông thường hoặc khẩu trang vải. Chỉ những người tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 hoặc đi vào ổ dịch mới cần sử dụng khẩu trang có độ lọc cao (N95).
Đặc biệt, khi đeo khẩu trang phải để mặt xanh ra ngoài do mặt màu xanh có tính chống nước, các giọt nước bọt lớn bắn vào sẽ không thấm vào trong. Mặt màu trắng có tính hút ẩm, nên quay vào trong, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang. Khẩu trang đeo đúng phải che kín cả mũi lẫn miệng.
Khi mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào, vì động tác sờ tay, thậm chí chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh.
Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn. Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra. Thói quen lấy tay vo khẩu trang lại sẽ gây lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay. Cần rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn có chứa cồn ngay sau khi vứt bỏ khẩu trang.
PV: Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay, bác sĩ có lời khuyên nào dành cho người dân?
Bác sỹ Lê Hoàng Nam: Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã thực hiện các công việc cần thiết để phòng dịch, với mỗi khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế qua các kênh thông tin đại chúng như báo, đài truyền hình, tin nhắn điện thoại, mạng xã hội… người dân cần đọc và thực hiện để tự bảo vệ mình và những người xung quanh.
Trong giai đoạn hiện nay, dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, xuất hiện các ca bệnh tại thành phố Hà Nội, Ninh Bình, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh và Huế. Dự báo tiếp tục có các ca bệnh tại một số tỉnh, thành phố, do vậy, người dân cần đề cao trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội trong việc tự phòng, tránh dịch bệnh Covid-19.
Không quá hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh, nhưng không được chủ quan, lơ là; nghiêm túc thực hiện khai báo y tế, tham gia tích cực việc khám, sàng lọc và thực hiện cách ly khi được yêu cầu; không đi lại, di chuyển đến các vùng có dịch, hạn chế đến nơi đông người...
Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, có các triệu chứng cúm trên địa bàn tỉnh hoặc di chuyển đến địa bàn tỉnh Ninh Bình, phải được chuyển ngay tới các cơ sở y tế theo quy định để cách ly, theo dõi và thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; hoặc gọi tới các số điện thoại đường dây nóng Sở Y tế Ninh Bình: 0965. 261. 414 hoặc đường dây nóng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: 0961.746.188 để được hỗ trợ, tư vấn.
Đặc biệt cần phải theo dõi tình hình dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông, kênh thông tin chính thống của Trung ương và địa phương. Đồng thời tuân thủ theo các khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế, các cơ quan y tế ở địa phương.
PV: Xin cảm ơn bác sỹ!
Mỹ Hạnh
(Thực hiện)