Trò chuyện về những việc đã và đang thực hiện của mình, ông Đoàn Minh Thoan vui vẻ cho biết, có lẽ những năm tháng là cán bộ công đoàn ngành Giáo dục cộng với nhiệt huyết của người lính Cụ Hồ đã tiếp thêm cho ông động lực để vừa nghỉ hưu đã bắt tay ngay vào thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương. Ông vẫn nhớ, thời điểm ấy xã Khánh Cư đã bắt đầu rục rịch phong trào xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, người dân đã có sự quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan làng quê, thôn, xóm. Xóm Xuân Dương 1 của ông cũng vậy.
Năm đó mọi người đang thảo luận và thống nhất hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng dài khoảng hơn 1 kim để thắp sáng đường làng, ngõ xóm, thuận tiện cho việc đi lại của người dân vào buổi tối. Khi xem qua thiết kế, dự trù kinh phí, ông đã quả quyết sẽ nhận trách nhiệm thực hiện với kinh phí giảm gần ½ so với dự trù ban đầu. Việc đầu tiên mà ông tham gia với thôn, xóm đã gây được thiện cảm với người dân, là động lực để ông tiếp tục cùng cấp ủy, ban công tác mặt trận xóm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội. Đến khi xóm Xuân Dương 1 xây dựng nhà văn hóa, ông cũng là một trong những người nhiệt tình, trách nhiệm với quá trình xây dựng.
Để có kinh phí xây dựng nhà văn hóa, nguồn đóng góp từ người dân không đủ, ông đã cùng một số đồng chí trong ban vận động xây dựng nhà văn hóa xóm vào tận miền Nam để gặp gỡ, vận động một số con em quê hương thành đạt. Quá trình đi vận động mất gần 1 tháng nhưng ông hoàn toàn tự túc kinh phí tàu xe, đi lại, ăn ở. Riêng "kênh" xã hội hóa để xây dựng nhà văn hóa xóm khi đó đã thu được 90 triệu đồng, bằng ½ tổng kinh phí xây dựng nhà văn hóa xóm. Riêng đối với gia đình ông, ngoài phần đóng góp chung, gia đình ông đã ủng hộ thêm kinh phí, bản thân ông còn trực tiếp giám sát công trình mà không nhận bất cứ đồng thù lao nào.
Đến khi phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai tại địa phương, nhận thức rõ vai trò của người dân trong việc hoàn thiện các tiêu chí, nhất là việc xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, ông đã bàn bạc và vận động con cháu trong gia đình tổ chức thi công một đoạn đường ngõ xóm dài khoảng 300 mét là đoạn đường ra đồng. Với sự hỗ trợ của Nhà nước là 300 tấn xi măng, gia đình ông đã lo toàn bộ kinh phí mua đá, cát, thuê nhân công với tổng kinh phí khoảng 40 triệu đồng. Đặc biệt, ông là người đã đứng ra cải tạo môi trường cảnh quan làng xóm để xóm Xuân Dương 1 đạt tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Dẫn chúng tôi ra thăm quan nơi trồng cây đa tạo bóng mát cho dân làng mỗi khi đi làm đồng về, ông vui vẻ giới thiệu: Trước kia đây là khu vực người dân hay đổ rác, rất mất vệ sinh lại ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều hộ gia đình xung quanh khu vực. Sau nhiều ngày trăn trở, ông đã quyết định cải tạo khu vực này thành điểm vui chơi của xóm. Ông đã vận động con cái, anh em họ hàng ủng hộ hơn 10 triệu đồng để đầu tư cải tạo lại khu vực đổ rác thải, cho trồng một cây đa xanh, đổ nền bê tông láng bóng, xây một số ghế đá. Khi chúng tôi đến thăm, cây đa tuy được trồng hơn 2 năm nhưng đã xòe tán rộng, đủ che mát khoảng sân nhỏ cho những người đi làm đồng về hoặc tập trung ngồi hóng mát vào mỗi buổi chiều…Đây cũng là địa điểm sinh hoạt chung của tổ liên gia gồm 10 gia đình trong xóm. Nhiệt tình, trách nhiệm với công việc chung của làng, của xóm là vậy, những tưởng sẽ chiếm hết thời gian dành cho việc nhà của ông. Nhưng người cựu chiến binh này còn là một tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Ông cùng cậu con trai xây dựng và duy trì trang trại chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Với mô hình chăn nuôi lợn, cá giống, gà, vịt trong khuôn viên rộng hơn 7.000m2, hàng năm trừ chi phí gia đình ông cũng có thu nhập trên 200 triệu đồng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông còn giúp đỡ nhiều hộ là hội viên Hội Cựu chiến binh, các gia đình trong xóm, trong xã đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi, là cơ sở cung cấp giống cá uy tín, chất lượng.
Nhờ sự nhanh nhẹn, tháo vát và am hiểu thị trường của bản thân và cậu con trai, trang trại gia đình ông giờ đã ký kết hợp đồng được với nhiều bạn hàng ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng…nên việc tiêu thụ trở nên thuận tiện cho cả trang trại và nhiều hộ chăn nuôi trong xã. Nhìn lại quá trình tham gia các công việc chung của làng, xóm, người cựu chiến binh, đảng viên 34 năm tuổi Đảng, 70 năm tuổi đời có suy nghĩ rất đơn giản: Bao năm mình chỉ biết tập trung hoàn thành tốt công việc của cơ quan, đơn vị nơi mình công tác thì khi về nghỉ tại địa phương, phải có những đóng góp như mình đã từng đóng góp thời còn công tác. Với ông, những việc ông đã và đang làm cho quê hương, thôn xóm được đúc rút bằng hai câu thơ "Nghỉ hưu nhưng trí không hưu/cùng thôn, cùng xóm chắt chiu xây đời".
Bài, ảnh: Phan Hiếu