Năm 1987, ông Bách tham gia nhập ngũ khi vừa tròn 19 tuổi, đóng quân ở nước bạn Lào. Tại đây, ông đảm nhiệm chức vụ cảnh vệ mặt trận 379, là tiểu đội trưởng tiểu đội C23. Kết thúc 3 năm phục vụ trong quân ngũ, đến năm 1989 ông quyết định đi xây dựng vùng kinh tế mới. Chọn Đắc Lắk là nơi dừng chân, ông Bách dồn hết tâm huyết khai hoang đất đai, làm nương rẫy. Học hỏi bà con địa phương, ông bắt đầu trồng cây cà phê, đậu và một số loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đây. Thời gian đầu, vì chưa quen với các công đoạn chăm bón, lại chỉ có một mình nên mọi công việc đối với ông khá chật vật. Tuy nhiên, nhờ sự chăm chỉ mà cuộc sống của người lính sau khi rời chiến trường dần đi vào ổn định.
Năm 2002, do sức khỏe yếu, ông Bách quyết định nhượng lại nương rẫy cho người thân để về quê chữa bệnh, xây dựng gia đình. Với ý chí kiên cường, luôn chủ động khắc phục khó khăn trong mọi hoàn cảnh, ông mưu sinh tại quê nhà bằng việc thu gom phế liệu. Bên cạnh đó, ông còn nuôi thỏ, nuôi gà để gia tăng thu nhập. Tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, chưa có sự đầu tư bài bản nên đàn thỏ 50 con hay mắc bệnh dịch, không mang lại lợi nhuận kinh tế.
Xác định không thể gắn bó lâu dài với công việc thu gom phế liệu, muốn chuyển hướng sang chăn nuôi, ông Bách cần phải trau dồi kiến thức về vật nuôi một cách nghiêm túc mới mang lại hiệu quả. Vì vậy, ông đã đi tham quan mô hình nuôi hươu ở huyện Nho Quan, nhận thấy đây là vật nuôi mới, cho giá trị kinh tế cao nên ông quyết định học tập kinh nghiệm để mở trang trại.
Đến năm 2009, với số tiền không nhỏ tích lũy được, ông mua 18 con hươu, mức giá trung bình 12 triệu đồng/con. Giai đoạn đầu, vì chủ quan trong việc cung cấp thức ăn nên hươu chết mất 7 con, thiệt hại lên tới cả trăm triệu đồng. Trước mất mát quá lớn, ông Bách tự nhủ phải bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân để kịp thời khắc phục. Từ đó, ông cẩn thận hơn trong việc cho hươu ăn cỏ, không pha thêm cám vì hươu dễ bị nghẹn, dẫn đến chết ngạt.
Nhờ đàn hươu cho lợi nhuận cao, kinh tế gia đình ông Bách dần khấm khá. Năm 2013, ông đầu tư thầu 1 mẫu đất để mở rộng trang trại, phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp. Ngoài đàn hươu chủ chốt khoảng 21 con, ông tiếp tục nuôi thêm lợn, gà, 60 con chim bồ câu Pháp và nhiều loài cá khác nhau như trắm ốc, trắm cỏ, cá mè, cá chép,... Các loại vật nuôi đều được ông đầu tư chuồng trại chắc chắn, ao cá có diện tích lên tới 5 sào, mỗi năm cho sản lượng từ 5 - 7 tạ cá.
Đến thời điểm hiện tại, trang trại của ông Bách là một trong những mô hình chăn nuôi tiêu biểu trên địa bàn huyện Yên Khánh. Với mức giá 1,8 triệu đồng/1 lạng nhung hươu, trung bình một năm ông cung cấp 6kg cho thị trường. Ngoài ra, ông còn cung cấp hươu giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh với nguồn thu khá ổn định.
Đối với lợn, gà, cá ông Bách thường bán buôn cho thương lái; riêng chim bồ câu thì xuất theo hình thức nhỏ lẻ cho người dân quanh vùng. Tổng lợi nhuận hàng năm gia đình ông thu về hơn 200 triệu đồng, trong đó, chỉ riêng nguồn thu từ hươu chiếm gần 150 triệu đồng.
Thời gian tới, ông Bách dự kiến vừa tập trung phát triển mô hình kinh tế trang trại, vừa đầu tư vốn mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. Tin rằng người lính năm xưa sẽ vững vàng trên thương trường để mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình, góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước.
Vân Anh