Với bản chất của người lính cụ Hồ cùng với sự cần cù, chịu khó, năng động, dám nghĩ, dám làm, ông Phạm Văn Bệ - hội viên cựu chiến binh ở phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) đã mạnh dạn đầu tư vào cơ sở mộc, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần cùng địa phương thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo. Cựu chiến binh Phạm Văn Bệ cũng là người có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề mộc truyền thống của địa phương.
Theo lời giới thiệu của đồng chí Chủ tịch Hội CCB phường Ninh Phong chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất mộc của gia đình ông Phạm Văn Bệ ở phố Phúc Lâm, phường Ninh Phong. 70 tuổi nhưng ông Bệ vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn. Mặc dù bận rộn nhưng ông Bệ vẫn dành thời gian tiếp chuyện chúng tôi, ông cho biết: Vốn xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm nghề mộc, năm 1994 ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư mở xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ với những sản phẩm dân dụng như: cửa, giường, tủ, bàn ghế… và làm những ngôi nhà dáng cổ. Năm 2007, gia đình ông đã thành lập doanh nghiệp tư nhân Phúc Lưu. Nắm bắt được nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng cùng với những yêu cầu cải tiến kỹ thuật, đa dạng sản phẩm, ông Bệ cùng 3 người con trai thành công trong công việc phục dựng nhà cổ. Cùng với số vốn thu được từ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, gia đình tiếp tục vay vốn ngân hàng để mở thêm 2 xưởng mộc mới, đầu tư máy móc, đưa các thiết bị hiện đại như: máy cưa, bào, khoan, tiện… vào việc phục dựng nhà dáng cổ. Hiện nay doanh nghiệp Phúc Lưu đã có 3 cơ sở mộc với tổng diện tích 2.500m2 (trong đó diện tích 2.000 m2 thuê làng nghề Ninh Phong).
Theo ông Bệ, đặc trưng của nhà gỗ dáng cổ là mọi chi tiết đều phải chạm trổ công phu, tỉ mỉ. Để làm được một ngôi nhà gỗ cổ cần rất nhiều công đoạn. Ngoài đôi tay khéo léo, người thợ cần có cả tâm huyết thì ngôi nhà làm ra mới đạt yêu cầu thẩm mỹ. Chính vì lý do đó nên khách hàng từ khắp nơi như: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa … đều tìm đến cơ sở mộc của gia đình ông để đặt làm nhà dáng cổ. Riêng trong 2 năm (2014, 2015), ông đã dựng gần 60 chiếc nhà dáng cổ, giá thành của những ngôi nhà gỗ này trị giá hàng tỷ đồng.
Sau gần 10 năm hoạt động, đến nay doanh nghiệp tư nhân Phúc Lưu của gia đình ông Bệ đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên trong gia đình, doanh nghiệp còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động, chủ yếu là lao động tại địa phương, trong đó có nhiều lao động là con em hội viên cựu chiến binh, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, doanh thu của gia đình đạt trên dưới 5 tỷ đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Phạm Văn Bệ còn là hội viên CCB luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động của hội và các phong trào của địa phương. Gia đình ông đã ủng hộ tiền công xây dựng, tu sửa, tôn tạo nhiều đình, chùa với trị giá hàng trăm triệu đồng và tích cực tham gia ủng hộ các phong trào từ thiện nhân đạo, khuyến học khuyến tài của địa phương.
Với những nỗ lực trong lao động sản xuất, năm 2015 cựu chiến binh Phạm Văn Bệ vinh dự được UBND tỉnh Ninh Bình phong tặng danh hiệu nghệ nhân thủ công mỹ nghệ, đó là phần thưởng cao quý đối với người có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề mộc truyền thống của địa phương.
Dương Yến
Bộ CHQS tỉnh