Về thăm mô hình đa canh của ông Mai Văn Dự, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là quy mô ở đây khá lớn và cách xây dựng mô hình đa canh kết hợp nuôi cá và trồng cây ăn quả rất khoa học. Ông Dự niềm nở tiếp và giới thiệu cho chúng tôi về mô hình phát triển kinh tế của gia đình mình. Năm 1982, ông dời quân ngũ về quê với mong muốn giúp gia đình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo từ chính mảnh đất quê hương. Nhưng trước khi xây dựng mô hình đa canh như hiện nay, ông đã trải qua thời gian dài mày mò tìm hướng phát triển kinh tế. Đầu tiên là làm ruộng, một năm hai vụ lúa, hiệu quả rất thấp. Thế rồi qua tìm hiểu, ông bén duyên với nghề đốt gạch theo phương pháp thủ công truyền thống. Tuy nhiên, nghề này cũng chỉ được vài năm vì nhiều nhà máy gạch công nghệ tiên tiến ra đời làm cho lò gạch thủ công của ông không đủ sức cạnh tranh về cả chất lượng và giá thành. Cùng với chủ trương của tỉnh giảm và xóa sổ những lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường, gia đình ông cũng nhân đà này chuyển sang nghề mới. Cách đây 3 năm, qua tìm hiểu ông Dự biết đến một số mô hình phát triển cây trồng, con nuôi cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh. Với lợi thế xã Khánh Tiên có đất 5% ở gần sông, tiện cho việc lấy nước ra vào sản xuất, ông nghĩ ngay đến mô hình nuôi cá giống và cá thịt. Thế là ông mạnh dạn thuê 6 mẫu đất của xã Khánh Tiên đào ao thả cá, trên bờ trồng các loại cây ăn quả như: táo, ổi, hồng xiêm, hoa hòe. Khác mọi người thường tập trung vào nuôi cá thịt, ông Dự chủ yếu nuôi cá giống bán cho các chủ ao trong xã và trên địa bàn huyện. Theo ông, làm như vậy sẽ tránh được rủi ro khi cá thịt bị mất giá, đồng thời tận dụng mặt nước. Còn lại những con cá giống không bán hết, ông thả nuôi thành cá thịt bán vào dịp cuối năm. Ước tính mỗi năm gia đình ông xuất bán ra thị trường trên 2 tấn cá giống và trên 2 tấn cá thịt, là các loại cá truyền thống như cá trắm, cá chép... Hiện gia đình ông có trên 500 gốc cây ăn quả, trong đó ổi và táo đã cho thu hoạch gần 7 tạ quả, trừ chi phí có lãi trên 50 triệu đồng. Với mô hình đa canh có hiệu quả, mang lại thu nhập cho gia đình ông Dự đạt trên 150 triệu đồng/năm. Để nuôi cá thành công, theo ông Dự quan trọng nhất là phải có kinh nghiệm và thực hiện tốt các khâu từ chọn giống, chăm sóc cá đến khi thu hoạch, chú ý cải tạo ao nuôi ngay từ đầu vụ, chọn con giống sạch bệnh, khỏe mạnh và kích cỡ tương đương nhau để thả nuôi cùng ao. Cho cá ăn phải theo thời gian quy định và thường xuyên theo dõi, để phát hiện dịch bệnh, có những biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt chú ý nếu mù trời cho vận hành máy bơm sục để tăng oxy cho cá. Định kỳ dùng vôi bột cải tạo đáy ao và môi trường nước, tiến hành thay nước ao nuôi 2 lần/tháng, duy trì mực nước ổn định. Đối với cây ăn quả chú ý khâu chọn giống đảm bảo chất lượng, quan tâm cải tạo đất, tăng độ tơi xốp và chất dinh dưỡng để cây phát triển tốt.
Theo ông Dự, mô hình đa canh nuôi cá và cây ăn quả kết hợp không đòi hỏi quá nhiều về kỹ thuật canh tác. Người nông dân chỉ cần có sự cần cù, chịu khó và có nguồn vốn ban đầu, cộng thêm ít kinh nghiệm là có thể xây dựng thành công mô hình. Không chỉ nhạy bén, mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình đa canh cho gia đình mình, ông Dự còn tích cực giới thiệu, vận động, giúp đỡ về kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi trồng cho anh em hội viên Hội CCB và bà con nông dân trong xã để nhân rộng mô hình, cùng nhau phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế và thực hiện chương trình nông thôn mới ở địa phương.
Nhờ hoạt bát, nhạy bén, cùng sự cần cù, chịu khó, hiện nay CCB Mai Văn Dự đang làm chủ mô hình đa canh nuôi cá kết hợp trồng cây ăn quả quy mô khá lớn. Đây là một trong 14 mô hình phát triển kinh tế mới và tiêu biểu của huyện Yên Khánh đang được khuyến khích nhân rộng.
Hồng Giang