Anh Phạm Văn Điệp, sinh năm 1986, với đam mê ngành công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị nên học xong THPT, anh Điệp đã chọn học ngành kỹ sư công nghệ ô tô tại Trường Đại học sư phạm Hưng Yên. Ra trường, anh về làm việc tại Công ty cổ phần dịch vụ và đầu tư xây dựng Hà Mai. Trong quá trình làm việc tại Công ty, Phạm Văn Điệp đã mày mò, tìm tòi học hỏi đồng nghiệp nhằm nâng cao chất lượng cũng như năng suất công việc.
Anh Phạm Văn Điệp cho biết, trước công việc được giao tại Công ty là chuyên thực hiện thi công đường dây điện cao thế và trung thế tới khu vực vùng sâu, vùng xa. Đây là công việc rất gian nan vì những vị trí thi công thường có địa hình phức tạp, chia cắt bởi sông suối, đồi núi. Vì các phương tiện cơ giới không tiếp cận được tới chân công trình nên mỗi vị trí công ty phải làm 1 con đường mới gây tốn kém về kinh tế. Có những vị trí đi qua sông suối, rừng phòng hộ không được chặt cây, không được làm đường nên vật liệu xây dựng, cột điện và phụ kiện ngành điện đều phải vận chuyển thủ công.
Quá trình này gây tốn kém nhiều nhân lực, năng suất kém, dẫn đến chậm tiến độ thi công, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Từ đó tôi ấp ủ sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong thực thi nhiệm vụ, giảm bớt sức lực con người, nâng cao hiệu quả công việc.
Từ ý tưởng ban đầu chế tạo ra máy tời vận chuyển cột điện qua địa hình phức tạp, với kiến thức kỹ thuật đã được học trong nhà trường cùng với việc tận dụng các thiết bị trong động cơ xe máy và ô tô cũ, bỏ đi, anh Điệp đã tính toán, thiết kế nên chiếc máy tời vận chuyển cột điện qua địa hình phức tạp. Chiếc máy có 5 phần, gồm khung giá đỡ, động cơ, hộp giảm tốc, lu quấn cáp và phanh an toàn. Máy có thể kéo được cột sắt 5 tấn, máy tời có thể tháo dời để dễ vận chuyển. Sau gần 1 năm mày mò, thiết kế, đến năm 2014 máy tời do anh thiết kế đã được Công ty áp dụng thành công trong công việc.
Giải pháp mới trong "Thiết kế chế tạo máy tời vận chuyển cột điện qua địa hình phức tạp" có ưu điểm gọn nhẹ, tháo dời từng phần nhỏ để di chuyển và lắp ráp lại phù hợp với địa hình và công trình thi công; chạy bằng động cơ xăng cũ, luôn có sẵn trên thị trường. Để vận hành chỉ cần 1 người (giảm sức lao động cho khoảng 22 người khi vận chuyển 1 cột điện), hệ số an toàn cao, có phanh an toàn khi gặp sự cố. Máy có thể chuyển hướng hoạt động liên tục nên năng suất rất cao.
Giải pháp này đã được áp dụng thi công nhiều công trình điện lưới vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, Công ty đã cho thiết kế nhân rộng 10 chiếc phục vụ vận chuyển hàng trăm cột điện có chiều dài 12m, trọng lượng 390-trên 2.300 kg lên vùng núi cao cũng như vùng trũng; hạn chế được rủi ro tai nạn lao động. Hiện, máy đã hoạt động được 3 năm.
Hiệu quả rõ nét nhất mà sáng kiến mang lại chính là tạo ra năng suất lao động vượt trội, mang yếu tố công nghệ vào thi công ngành điện, đem lại hiệu quả kinh tế to lớn, làm lợi cho công ty hơn 500 triệu đồng. Đồng thời, thiết kế này có thể nhân rộng phục vụ thu hoạch nông sản, lâm sản. Vật liệu chế tạo sẵn có, phù hợp với người nông dân.
Sáng kiến của công nhân Phạm Văn Điệp được Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đánh giá cao, sản phẩm đã được Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình cấp giấy chứng nhận sáng kiến cấp tỉnh. Năm 2016, sáng kiến được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo. Năm 2017, Phạm Văn Điệp được Liên đoàn Lao động tỉnh biểu dương là cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2012-2017.
Tiến Minh