Ông Bùi Công Ty, sinh năm 1956, người dân tộc Mường, hiện đang sinh sống tại thôn 1, xã Phú Long (Nho Quan) là người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng, được bà con tin tưởng và quý trọng.
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Mường
Vượt quãng đường dài đến thôn 1, không mất nhiều thời gian để chúng tôi tìm tới nhà ông Ty bởi nhắc đến ông người dân ở đây đều biết và dành cho ông nhiều ấn tượng, tình cảm tốt đẹp.
Hiện nay, thôn 1, xã Phú Long có 253 hộ, 930 nhân khẩu với 53% là đồng bào dân tộc Mường. Ông Ty nhớ lại: "Những năm trước đây, đời sống đồng bào nơi đây gặp rất nhiều khó khăn do tập quán sản xuất lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao. Khi rời quân ngũ trở về địa phương, thấy đời sống của bà con mình còn nhiều khó khăn, vất vả, tôi luôn trăn trở suy nghĩ tìm cách để giúp người dân quê mình thoát nghèo, cải thiện đời sống".
Theo ông Ty, muốn vận động được bà con, bản thân mình phải là người gương mẫu. Khát khao làm giàu trên mảnh đất quê hương, xác định hướng đi là phát triển chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả, ông Ty đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn rừng theo quy mô gia trại.
Năm 2010, bắt tay vào khởi nghiệp, ông gặp không ít khó khăn, do chưa có kinh nghiệm, lại không am hiểu về kỹ thuật nên lợn rừng đẻ ra bị chết, đồng vốn cạn kiệt. Với bản tính ham học hỏi, nhận thấy những thiếu sót trong kỹ thuật chăn nuôi, ông Ty thường xuyên tham gia các lớp chuyển giao KH-KT, tham quan các mô hình nuôi lợn rừng do huyện, xã tổ chức; nghiên cứu thêm tài liệu, sách, báo nhằm bổ sung kiến thức cho quá trình phát triển gia trại.
Ông Bùi Công Ty đưa con đặc sản vào nuôi, nâng cao thu nhập cho gia đình và vận động được nhiều người dân làm theo.
Nhờ sự cố gắng không ngừng, với quy mô chỉ 4 con lợn rừng ban đầu, đến năm 2015, gia đình ông Ty đã có 3 dãy chuồng với hơn 10 lợn nái sinh sản và 40 con lợn rừng thịt. Hiện nay, gia đình ông còn kết hợp nuôi thêm hươu sinh sản, lấy nhung, trồng keo và cây ăn quả. Tổng doanh thu từ gia trại của gia đình đạt từ 150 - 200 triệu đồng/năm.
Từ hiệu quả mô hình đem lại, ông Ty đã vận động người dân cùng phát triển mô hình. Từ đó, đời sống nhân dân trong thôn ngày càng được nâng cao, nhiều hộ gia đình đã thành công, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi lợn rừng và hươu sinh sản, lấy nhung. Hiện nay, bình quân thu nhập đầu người của thôn đạt 40 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,76%, số hộ khá, giàu đạt trên 60%.
Không chỉ vận động người dân phát triển kinh tế, với vai trò là ủy viên Ban Công tác Mặt trận thôn, người có uy tín trong cộng đồng, ông Ty thường xuyên thăm hỏi, nắm tình hình, phản ánh ý kiến, kiến nghị của người dân đến chính quyền địa phương, cùng với cấp ủy, chi bộ thôn tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ học tập, giữ gìn phong tục, tập quán của người Mường, vận động nhân dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa tốt đẹp tại khu dân cư. Nhờ đó, tại thôn 1, hằng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa đều đạt trên 90%, là một trong những thôn đi đầu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương.
Đồng chí Bùi Trung Hiếu, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Long nhận xét: Là người có uy tín trong cộng đồng, ông Ty luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động. Nhiều năm qua, ông đã cùng với các cơ quan chức năng giải quyết nhiều vụ việc tại cơ sở. Đồng thời cùng cấp ủy, chính quyền và những người uy tín tại địa phương thường xuyên tham gia giữ gìn an ninh trật tự, phòng, chống các tệ nạn xã hội; tham gia xây dựng nông thôn mới, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn…
Với những đóng góp và ảnh hưởng của mình đối với cộng đồng, ông Bùi Công Ty nhiều lần được các cấp, các ngành trong tỉnh ghi nhận, khen thưởng do có nhiều thành tích trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.