Đơn vị đã bí mật hành quân dọc con lộ đất đỏ số 5, qua ấp Minh Hòa, về Dầu Tiếng xuống Thanh An, vượt sông Sài Gòn đến An Phú, vượt qua bao sự kiểm soát gắt gao của địch một cách an toàn.
Đến Củ Chi, tiểu đoàn tập kết dưới những hầm sâu địa đạo. Sau đó anh em được bố trí đi nhận gạo và chuẩn bị mọi mặt cho trận chiến đấu mới.
Hôm sau tiểu đoàn hành quân xuống xã An Nhơn, huyện Củ Chi, cạnh sông Sài Gòn. Đây là một vùng tranh chấp, rừng hoang um tùm, rậm rạp, nhưng cũng đã bị bom đạn địch cày xới tan hoang. Từ An Nhơn, đơn vị lại hành quân suốt hai đêm về Tân Phú Trung. Đến nơi, đơn vị đã triển khai chiến đấu ngay. Tại đây đã diễn ra một trận chiến đấu vô cùng ác liệt. Và đơn vị đã tiêu diệt được một lực lượng của địch. Một số chiến sỹ của đơn vị bị hy sinh và bị thương.
Hôm sau, ngay từ sáng sớm bà con đã ùa cháy hết cả ra đồng để tránh đạn bom địch càn vào ấp. Lúc sau, địch đã cho máy bay quần đảo dữ dội và đổ quân kín đặc cả một vùng rộng lớn.
Không những thế, địch còn tăng viện cho Sư đoàn 18 với lực lượng bảo an, dân vệ, cùng xe tăng bọc thép rầm rầm từ Sài Gòn kéo lên vây ráp Tân Phú Trung. Một lực lượng địch đột nhập vào mũi chốt của đơn vị. Chúng cho đại liên bắn xối xả và tiến quân len lỏi theo các căn nhà hòng tiêu diệt quân ta. Nhưng anh em chiến sỹ ta vẫn vô cùng gan dạ, dũng cảm, kiên quyết không chịu lui và vẫn bình tĩnh, sẵn sàng chờ chúng đến…
Bỗng phía trên trời xa xuất hiện một chiếc trực thăng HU1A chầm chậm, phành phạch chúi đầu lao tới. Chả mấy chốc chiếc trực thăng đã lượn sát trên đầu chiến sỹ ta. Lúc đó, chiến sỹ Đỗ Văn Chuyến, đang ôm khẩu AK, sẵn sàng chiến đấu. Máy bay sà thấp, anh nhìn rõ tên giặc lái ngồi chăm chăm trên buồng lái nhòm xuống. Anh vẫn bình tĩnh và tỉnh táo. Lúc ấy anh nghĩ chỉ cần có một cử động nhỏ là cũng dễ bị lộ mục tiêu. Loại trực thăng này ghê lắm, khi nó đã phát hiện ra mục tiêu, nhất là mục tiêu động, tức thì nó sẽ rà sát ngọn cây truy đuổi đến cùng hoặc có thể hạ xuống bắt sống đối phương. Tính thế, anh liền nắm chắc súng, giương lên nhằm thẳng buồng lái điểm xạ một loạt. Tức thì, chiếc máy bay liền lảo đảo lao ra phía cánh đồng nghe đánh " rầm" một tiếng và một luồng khói đen ngùn ngụt bốc lên cao. Chiến sỹ Bình, quê Nghệ An thấy thế liền reo to "Máy bay cháy rồi… Máy bay cháy rồi… anh em ơi!...".
Chiến công của chiến sỹ Đỗ Văn Chuyến làm cho địch chững lại, không còn đâu nhuệ khí hung hăng muốn xông vào "ăn tươi nuốt sống" quân ta nữa…
Chiến công nối tiếp chiến công, trong trận chiến đấu ngày 29-10-1972, chiến sỹ Đỗ Văn Chuyến còn tiêu diệt được một tên địch đeo ba lô to kềnh và chặn đứng một mũi tiến công của địch bằng mấy quả lựu đạn nữa. Đến trận ngày 30-10-1972 thì anh bị một viên đạn đại liên của địch bắn trúng ốp che tay trên khẩu AK xuyên vào bàn tay anh đau nhói, máu chảy đầm đìa, toàn thân tê dại… Nhưng anh vẫn gắng vượt lên cùng anh em thoát vòng vây địch. Anh được anh em dân quân, du kích địa phương chăm sóc cứu chữa và đưa về tuyến sau điều trị.
Chiến sỹ Đỗ Văn Chuyến, sinh năm 1951, ở xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình. Năm 1970, khi còn đang học lớp 10, trường cấp III Yên Khánh B, đáp lời non sông, anh đã tình nguyện lên đường nhập ngũ cùng bao nhiêu bạn bè của lớp, của trường. Cuối năm 1970, đơn vị anh vào thẳng miền Đông Nam Bộ và Căm Pu Chia, liên tục chiến đấu cho đến khi đó.
Năm 1975, anh được trở về quê hương, đi học Đại học rồi ra dạy tại Trường THPT Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình (sau anh còn được đi học cao học). Năm 1995, anh được về công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình, rồi làm Chánh văn phòng của Ban. Năm 2010, khi nghỉ chế độ, với tấm lòng vì thế hệ trẻ, vì sự nghiệp giáo dục, anh lại sẵn sàng, vui vẻ tham gia công tác khuyến học, khuyến tài - làm Chánh văn phòng Hội Khuyến học tỉnh. Thạc sỹ Đỗ Văn Chuyến còn là ủy viên Ban chấp hành, trưởng bộ môn Lý luận phê bình của Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình. Từ lâu, anh đã say mê với công việc sáng tạo VHNT, nhất là trên lĩnh vực lý luận phê bình. Anh đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều bài tiểu luận được đăng tải trên sách báo Trung ương và địa phương. Năm 2010, anh được Nhà xuất bản văn học cho xuất bản cuốn "Văn học dân gian Ninh Bình - cội nguồn sức mạnh, tương lai phát triển". Công trình nghiên cứu của anh đã được tỉnh hỗ trợ kinh phí và được Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng giải khuyến khích. Năm 2011, công trình của anh được Hội VHNT tỉnh bình xét tặng giải C - Giải thưởng VHNT Trương Hán Siêu của tỉnh Ninh Bình lần thứ IV (2006-2011).
Là một thầy giáo, một cán bộ công chức bình dị như mọi người, nhưng mấy ai biết thương binh Đỗ Văn Chuyến đã có một thời đạn bom, một thời lập công oanh liệt, góp phần làm vẻ vang truyền thống của con em Ninh Bình lên đường đánh giặc, cứu nước. Hiện anh là hội viên Chi hội Cựu chiến binh phố Khánh Thành, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình.
Thanh Thản
(Ghi theo lời kể của CCB Đỗ Văn Chuyến)