Trong câu chuyện với chúng tôi, CCB Nguyễn Đức An kể, năm 1950, sau khi học xong phổ thông, ông thi vào trường dân y sỹ Quân khu 4, đến năm 1952 được biên chế vào Tiểu đoàn 265, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304, chiến đấu trên mặt trận thượng Lào. Sau đó đơn vị ông được lệnh hành quân về chuẩn bị cho chiến dịch "Trần Đình", sau này mới biết đó là tên mật của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Từ trận đánh này đến trận đánh khác, chiến sĩ quân y Nguyễn Đức An luôn có mặt để cứu chữa, đưa thương binh về tuyến sau. Ra chiến trường, cõng thương binh trong bom đạn của kẻ thù, rồi cấp cứu, điều trị cho đồng đội. Ông kể, khi đơn vị tham gia đánh địch ở cứ điểm Hồng Cúm, ông tận mắt chứng kiến những trận giao tranh quyết liệt, bộ đội ta rất anh dũng, nhiều chiến sĩ bị thương sau khi băng bó vết thương lại nằng nặc đòi vào trận. Cũng có người bị thương nặng, nếu sơ cứu không kịp thời sẽ dẫn đến mất máu, gây tử vong. Vì thế, ngoài sơ cứu, băng bó vết thương cho bộ đội, ông còn phải làm tốt công tác tư tưởng để bộ đội yên tâm, điều trị nhanh lành vết thương, sớm phục hồi sức khỏe trở lại phục vụ chiến dịch.
Điện Biên Phủ là chiến dịch đánh bằng giao thông hào, bao vây bằng giao thông hào, tiến vào bằng giao thông hào. Khi ấy ông vừa chăm lo sức khỏe cho bộ đội vừa tự lo đào giao thông hào. Quân ta tiến tới đâu, y tế cũng tiến tới đó. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt, điều kiện chăm sóc cũng hạn chế, anh em thương binh đau đớn, mất mát nhưng họ vẫn rất kiên cường, có người vừa tỉnh lại đã hỏi thăm về tình hình trận đánh…
Sau 55 ngày đêm chiến đấu ác liệt, đến ngày 7-5-1954 quân ta đã hoàn toàn giành thắng lợi, tướng Đờcát xin đầu hàng. Khi nghe được tin ấy, chiến sỹ của các đơn vị nhất loạt hò reo vui mừng, hô vang "Hoan hô Bộ đội Cụ Hồ, hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hồ Chủ tịch muôn năm!". Ngay trong đêm hôm ấy, bộ đội ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ, toàn bộ quân địch bị bắt làm tù binh.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông có mặt trong đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, rồi được cử đi học bác sỹ quân y, nhận công tác tại Viện quân y 108, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Sau giải phóng ông tiếp tục về Viện quân y 108, đến năm 1978, do yêu cầu nhiệm vụ, ông được điều động về làm Chủ nhiệm khoa ngoại II, Viện quân y 5. Đến năm 1988, ông về nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.
Suốt những năm công tác, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao và khi trở về địa phương, ông sống gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động phong trào cơ sở, gia đình ông nhiều năm là gia đình văn hóa, được bà con trong phố và đồng đội, đồng nghiệp quý mến. Ghi nhận những thành tích đó, Đảng, Nhà nước và quân đội đã tặng ông nhiều danh hiệu cao quý như Huy chương chiến sỹ vẻ vang, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Quân công hạng Ba; Huy hiệu chiến sỹ Điện Biên…
Nhớ lại ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông tâm sự, lúc ấy tôi mới ở độ tuổi 20, bây giờ đã vượt xa cái tuổi xưa nay hiếm, nhiều đêm nằm suy nghĩ về Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi vô cùng khâm phục và tự hào về sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, của Bác Hồ và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Bây giờ, mỗi khi nghe lại những bài ca:Qua miền Tây Bắc, Hành quân xa, Hò kéo pháo, Giải phóng Điện Biên… là trong tôi lại trào lên cảm xúc khó tả, nó đã gợi lại trong tôi về một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết gắn với những năm tháng chiến đấu oanh liệt, vẻ vang của cả dân tộc vì khát vọng hòa bình, độc lập, tự do.
Quốc Khang