Chiến thắng lađrăng là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, song không thể không nói đến công lao của những cán bộ, chiến sỹ trực tiếp cầm súng. ở trung đoàn 66 - một đơn vị chủ công tham gia chiến dịch đã xuất hiện hàng trăm tấm gương chiến đấu điển hình. Một trong những tấm gương đó là Đại úy - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 Lê Xuân Phôi, quê ở thôn Đa Giá, xã Ninh Mỹ - người con của mảnh đất Cố đô Hoa Lư lịch sử.
Trung đoàn 66 vừa trải qua một cuộc hành quân hơn 1 tháng ròng rã từ miền Bắc vào chiến trường, chưa có một ngày nghỉ ngơi thì được lệnh tham gia chiến dịch. Từ ngày 14 đến 16/11/1965, hai tiểu đoàn 9 và 7 của trung đoàn đã đánh tan một tiểu đoàn Mỹ, có sự chi viện rất lớn của hỏa lực pháo binh, không quân kể cả máy bay B52, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 tên tại thung lũng lađrăng.
Dự kiến những ngày tới, địch sẽ tiếp tục đổ quân để tiêu diệt chủ lực ta. Đây cũng là kế "điệu hổ ly sơn" của ta. Vì vậy Bộ Tư lệnh chiến dịch đã điều gấp tiểu đoàn 8 của Lê Xuân Phôi (đang ở một hướng khác) về thung lũng lađrăng để phối hợp cùng một số đơn vị giáng đòn quyết địch vào Sư đoàn kỵ binh bay số 1 Mỹ.
Nhận được lệnh, Lê Xuân Phôi tổ chức cho đơn vị cắt rừng hành quân ngay trong đêm 16/11, liên tục đến trưa 17/11 thì tới vị trí tập kết. Đó cũng là thời điểm từng bầy trực thăng được sự yểm trợ của pháo binh và máy bay ném bom, đổ tiếp một tiểu đoàn quân Mỹ xuống thung lũng, trong đó có hai đại đội đổ ngay trước mặt vị trí đứng chân của tiểu đoàn. "Một trận đánh tao ngộ"! Lập tức Lê Xuân Phôi cùng Ban chỉ huy triển khai ngay phương án chiến đấu. Anh suy nghĩ: Địch đã thoát ly khỏi công sự, vì vậy cách tốt nhất là đánh gần, đánh không cho chúng phân tuyến. Khẩu hiệu "Bám lấy thắt lưng địch mà đánh" bỗng chốc lan ra toàn đơn vị, trở thành phương châm, hành động chiến đấu của mọi cán bộ, chiến sỹ. Trong khung cảnh bom đạn, khói lửa mù mịt, máy bay các loại của địch gầm rít bắn phá, tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi như con sóc, thoắt ẩn thoắt hiện, vừa xông xáo vừa điềm tĩnh chỉ huy động viên bộ đội. Trận đánh diễn ra mỗi lúc một giằng co quyết liệt. Quân địch ỷ thế mạnh của phi pháo, hung hăng vừa bắn như vãi đạn, vừa la hét tiến lên. Bộ đội ta dựa vào từng mô đất, gốc cây, đợi chúng đến thật gần mới xiết cò làm nhiều tên đổ gục ngay trước mũi súng. Nhiều trường hợp chiến sỹ ta đã lao thẳng vào quân Mỹ dùng lưỡi lê, báng súng diệt địch. Trung đội trưởng Cao Đình Thơ bằng một đường lê chính xác đâm chết một tên lĩnh Mỹ, cứu sống đồng đội đang vật lộn với nó. Chính trị viên đại đội 6 Đinh Văn Đế ba lần bị thương vân dồn sức còn lại đuổi địch, diệt 5 tên; khi hết đạn anh đã dùng dao găm diệt 3 tên Mỹ nữa. Với cách đánh này cán bộ, chiến sỹ tiểu đoàn 8 của Lê Xuân Phôi đã "băm nát" hai đại đội Mỹ, vừa bao vây, vừa chia cắt chúng thành từng bộ phận để tiêu diệt, làm cho chúng không thể sử dụng cách đánh phân tuyến trong chiến tranh hiện đại, hạn chế tối đa sức mạnh của không quân, pháo binh; nhiều lần "gậy ông đập lưng ông", bom đạn của Mỹ đã rơi ngay xuống đầu lính Mỹ!
Trận đánh kéo dài suốt hơn tám tiếng đồng hồ. Khi trận đánh gần kết thúc thì Lê Xuân Phôi bị thương rất nặng. Mặc dù vậy, anh vẫn nén chịu đau, dùng tấm vải dù quàng trên người tự băng bó vết thương và tiếp tục chỉ huy bộ đội cho đến khi ngã xuống. Noi gương người chỉ huy quả cảm, cán bộ chiến sỹ tiểu đoàn 8 vẫn ngoan cường chiến đấu, cùng đơn vị bạn diệt hơn 400 tên Mỹ, buộc chúng phải rút chạy khỏi trận địa.
Trung đoàn 66, trong đó có tiểu đoàn 8 của Lê Xuân Phôi đã có những đóng góp quan trong vào thắng lợi của chiến dịch. Chính vì vậy Trung đoàn được vinh dự mang tên "Đoàn Pleime". Cá nhân Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi được tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng Nhất sau trận đánh.
Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của anh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (anh nhập ngũ năm 1947), ngày 30/8/1995. Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã truy tặng Lê Xuân Phôi danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".
Phạm Đức Hoàn