Về xã Yên Thắng, một địa phương đang có phong trào xây dựng nông thôn mới sôi nổi, hiệu quả của huyện Yên Mô, nhắc đến những đóng góp của người dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ai cũng nhắc đến cụ Nguyễn Văn Tớp, 91 tuổi ở thôn Trại Sối. Men theo con đường làng bê tông phẳng lì rồi vòng qua hồ Yên Thắng, điều làm chúng tôi bất ngờ là ngôi nhà mà gia đình cụ Nguyễn Văn Tớp đang sinh sống nhỏ bé, khiêm nhường so với nhiều ngôi nhà khác trong thôn vì mái ngói đã cũ, tường, cột ngôi nhà đã xuống cấp…
Tiếp chúng tôi trong không gian chật hẹp của ngôi nhà, cụ Nguyễn Văn Tớp vui vẻ chia sẻ về lý do mình là người đầu tiên của xã tình nguyện hiến 360 m2 đất để làm nhà văn hóa thôn. Thôn Trại Sối phần lớn người dân làm nông nghiệp nên đời sống còn nghèo, bao năm qua mỗi khi hội họp hay cho trẻ em trong thôn vui chơi, giải trí, thôn không có địa điểm sinh hoạt chung nên toàn phải đi mượn nhà dân. Đến khi xã quy hoạch diện tích đất để thôn xây dựng nhà văn hóa, ai cũng lắc đầu không đồng ý vì khu vực đó không trung tâm, việc đi lại, sinh hoạt tập thể không thuận lợi.
Lúc đó, cụ Tớp suy nghĩ rất đơn giản: Nhà có 2 ông bà già, canh tác 4 sào ruộng mỗi năm cho 2 vụ, ăn cũng chẳng hết. Nếu dành ra 1 sào để làm nhà văn hóa thì người dân trong thôn có địa điểm để xây dựng địa điểm sinh hoạt chung, là công trình có thể để lại cho nhiều đời sau sử dụng… Nghĩ sao làm vậy, cụ về nhà thông báo cho con cái biết ý định và quyết định của mình rồi nhanh chóng bàn giao diện tích đất cho thôn. Tấm lòng và tình cảm của cụ Tớp đã nhận được sự ủng hộ cao của người dân.
Ngay sau đó, dù điều kiện kinh tế của thôn còn nhiều khó khăn nhưng thôn Trại Sối đã huy động sự đóng góp sức người, sức của nhân dân để hoàn thiện nhà văn hóa với kinh phí trên 150 triệu đồng. Từ ngày có nhà văn hóa, người dân trong thôn không phải đi họp nhờ, trẻ em vui trung thu có địa điểm tập trung… Cụ Tớp chia sẻ: Vì yêu trẻ em, vì muốn các phong trào, hoạt động của thôn được diễn ra trong điều kiện khang trang, rộng rãi nên việc hiến đất của gia đình tôi là việc nên làm, không có gì là to tát cả…
Cùng tham gia câu chuyện với chúng tôi, bác Đinh Tiến Hòa, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Yên Thắng cho biết thêm: Điều kiện kinh tế của gia đình cụ Nguyễn Văn Tớp so với nhiều gia đình trong thôn không dư dả gì, bản thân gia đình 2 cụ đều cao tuổi, cụ bà nhiều năm ốm bệnh, 2 ông bà không lao động được mà chủ yếu do con cháu phụng dưỡng. Do đó, việc làm ý nghĩa của cụ Tớp được cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân trong thôn, trong xã trân trọng, ghi nhận.
Từ tấm lòng của cụ Tớp, năm 2013 vừa qua, thôn Trại Sối tiếp tục có thêm 2 hộ gia đình là cụ Nguyễn Văn Công đã vận động con hiến 360 m2 đất, cụ Vũ Ngọc Văn hiến 360 m2 đất để mở rộng khuôn viên nhà văn hóa thôn, quy hoạch thêm khu sân chơi, bãi tập để phục vụ cho việc rèn luyện thân thể của người dân trong thôn. Là xã được chọn làm điểm trong xây dựng nông thôn mới, Yên Thắng đang nỗ lực để hoàn thiện 4 tiêu chí còn lại, phấn đấu về đích trong xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2014. Góp phần cùng các ngành, đoàn thể của xã, Hội Người cao tuổi xã với 1.119 hội viên, sinh hoạt tại 15 chi hội thôn, xóm đã tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa.
Hội Người cao tuổi xã đã đóng góp nhiều ý kiến giá trị trong việc chỉnh trang đồng ruộng, vận động con cháu tích cực dồn điền, đổi thửa, ủng hộ ngày công, kinh phí hoàn thiện giao thông nội đồng… Nhiều hội viên cao tuổi trực tiếp tham gia là thành viên tiểu ban dồn điền, đổi thửa, tích cực vận động và gương mẫu đi đầu trong tình nguyện hiến đất xây nhà văn hóa thôn, xóm, tham gia lao động sản xuất, dạy bảo con cháu hăng say lao động, học tập, góp phần vào việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới…
Trao đổi với đồng chí Trần Thị Thu Hạnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết: Hưởng ứng chương trình "Người cao tuổi chung tay xây dựng nông thôn mới", các cấp Hội Người cao tuổi trong tỉnh đã phối hợp hiệu quả với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương để tham gia các hoạt động trên tinh thần "Tuổi cao, gương sáng". Nhiều cơ sở Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia đóng góp ngày công, kinh phí, hiến đất để hoàn thiện các công trình trường học, nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn, xây dựng kênh mương, chợ…
Đến nay, người cao tuổi trong toàn tỉnh đã tự nguyện đóng góp và vận động con cháu tham gia đóng góp 48.753 ngày công lao động, hiến 69.758 m2 đất, 17 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Nhiều hội viên cao tuổi còn gương mẫu chấp hành những quy định của Nhà nước về việc sớm nhận tiền đền bù, thực hiện di dời đến khu tái định cư để bàn giao mặt bằng đúng thời hạn cho các dự án mở đường giao thông, xây dựng cầu vượt, vận động, thuyết phục con cháu, gia đình thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Nhiều hội viên đã tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao, tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại địa phương, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các đơn vị tiêu biểu như: Hội Người cao tuổi huyện Kim Sơn, Gia Viễn, Hoa Lư, thị xã Tam Điệp, thành phố Ninh Bình đã có trên 100 cá nhân được biểu dương, khen thưởng vì những đóng góp trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là những cá nhân tiêu biểu của Hội Người cao tuổi các cấp trong tỉnh trong thực hiện việc Học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh.
Bùi Diệu