Đi trên con đường chạy qua thôn 5, xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) đã được đổ bê tông phẳng lỳ, sạch sẽ, những hội viên người cao tuổi của xã không giấu nổi niềm vui, niềm tự hào. Trước đây, con đường này hẹp với chiều rộng chừng 2m2, không có điện thắp sáng, người dân tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trong thôn, đặc biệt là sự đóng góp không nhỏ của gia đình ông Phạm Xuân Chuẩn, hội viên người cao tuổi xã Đông Sơn, con đường đã được nâng cấp, mở rộng. Theo đó, trong quá trình làm đường giao thông nông thôn, xã thực hiện kế hoạch mở rộng tuyến đường thôn 5, tuyến đường có đi qua diện tích đất của gia đình ông Phạm Xuân Chuẩn. Ông Chuẩn đã gương mẫu đi đầu tháo dỡ một góc nhà, tường bao, hiến trên 30m2 đất để làm đường. Cùng với đó, ông còn tham gia ủng hộ ngày công lao động, vận động hội viên, nhân dân trong thôn giải phóng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trước thời hạn.
Ông Phạm Xuân Chuẩn chia sẻ: Là lớp người cao tuổi, tôi luôn tâm niệm một điều đó là mình phải sống vui, sống khỏe, sống có ích để con cháu học tập, noi theo. Chính vì thế, khi địa phương vận động nhân dân trong thôn tham gia hiến đất mở rộng đường giao thông, tôi tiên phong hiến đất và tích cực tuyên truyền để các hội viên cùng tham gia. Từ những người cao tuổi gương mẫu đi đầu nên các gia đình trong thôn cũng hưởng ứng theo. Vì vậy, chẳng bao lâu con đường mới đã được hoàn thành, mang lại một diện mạo mới cho thôn.
Bà Trần Thị Thu Hạnh, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có trên 117 nghìn người cao tuổi, trong đó có 112 nghìn hội viên người cao tuổi. Xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình trọng tâm, có ý nghĩa chiến lược, tạo diện mạo nông thôn khởi sắc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, những năm qua, Hội Người cao tuổi tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tham gia xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường theo từng giai đoạn. Đặc biệt, để phát huy tốt vai trò của hội viên người cao tuổi, các cấp Hội đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, người cao tuổi và nhân dân nắm bắt được các chủ trương, ý nghĩa… của phong trào xây dựng nông thôn mới.
Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của hội viên, người cao tuổi đã được nâng lên. Người cao tuổi luôn đi đầu, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới bằng việc vận động con cháu và gia đình đóng góp công sức, tiền của, hiến đất, vật liệu để mở rộng đường giao thông nông liên thôn, xây dựng nhà văn hóa và các công trình phúc lợi khác. Đến nay, người cao tuổi đã vận động con cháu cùng nhân dân thực hiện dồn điền, đổi thửa, thực hiện cánh đồng mẫu lớn, góp phần cùng toàn tỉnh đến hết năm 2016 có 46 xã và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Người cao tuổi đã hiến trên 58 nghìn m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi; đóng góp trên 40 nghìn ngày công lao động; ủng hộ trên 7 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, các công trình phúc lợi tập thể.
Đặc biệt, người cao tuổi còn tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 4.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi, trong đó gần 500 người cao tuổi làm chủ trang trại, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Kinh tế ổn định, người cao tuổi càng có thêm điều kiện để tham gia các phong trao khác. Điển hình như có trên 70% người cao tuổi tham gia Ban chấp hành Hội khuyến học, trên 80% là trưởng dòng họ hiếu học, người cao tuổi vận động được trên 1 tỷ đồng tặng quà học sinh nghèo vượt khó. Người cao tuổi cũng gương mẫu đi đầu trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa…
Nguyễn Hùng