Sinh năm 1948 tại xã Ninh An, huyện Hoa Lư, năm 1965, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Hội đã xung phong ra trận, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Tuy không bị thương nặng nhưng ông đã bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, thứ chất độc hóa học đã ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống gia đình và sức khỏe của ông. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông Hội về công tác tại Công ty lương thực tỉnh rồi nghỉ hưu.
Trở về địa phương, ông tiếp tục tham gia công tác xã hội. Đến năm 2006, khi có chủ trương thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Hoa Lư, ông được giới thiệu tham gia Ban chấp hành Hội rồi được bầu làm Phó Chủ tịch. Đến năm 2013, ông Hội được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện từ đó đến nay.
Là nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chất độc da cam nên ông hiểu rõ nỗi đau mà các nạn nhân đang từng ngày, từng giờ gánh chịu. Theo như ông Hội chia sẻ, "Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ", không đủ sức khỏe để lao động, thường xuyên đau ốm lại phải chăm sóc các con bị dị tật, chi phí thuốc men tốn kém là những nguyên nhân khiến họ luôn bị đói nghèo đeo bám.
Từ trăn trở đó, trên cương vị mới, ông Hội luôn nỗ lực, cố gắng để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các hội viên. Từ 370 hội viên khi tổ chức Hội được thành lập, đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Hoa Lư đã có 565 hội viên, sinh hoạt tại 11 chi hội cơ sở. Với nhiều hoạt động thiết thực, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện đã vận động hàng trăm lượt tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cùng chung tay góp sức hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân da cam.
Từ năm 2018 đến nay, các tổ chức Hội trong huyện đã vận động được nhiều tỷ đồng hỗ trợ các nạn nhân; tiếp nhận, trao tặng 3.079 suất quà cho các nạn nhân vào các ngày lễ, Tết, Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7), Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10/8); giúp đỡ các đối tượng khám, điều trị, cấp thuốc cho hàng trăm lượt hội viên… Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, Hội đã huy động xây mới và sửa chữa 41 căn nhà tình thương cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam với tổng trị giá hàng tỷ đồng.
Hoạt động công tác hội khá bận rộn nhưng ông Hội luôn tranh thủ thời gian đến thăm hỏi, động viên các gia đình hội viên để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, kịp thời chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống của hội viên.
Ông Trịnh Viết Non, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở xóm Khánh Trung, xã Ninh An, huyện Hoa Lư cho biết: Trước đây gia đình ông có hoàn cảnh rất khó khăn, phải sống trong căn nhà cấp 4 dột nát. Năm 2013, được sự động viên của ông Hội và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm với số tiền 70 triệu đồng, gia đình ông đã xây dựng căn nhà mái bằng khang trang, kiên cố. Từ khi có nhà mới cuộc sống của gia đình ông đã thay đổi rất nhiều. Ông Non tâm sự: "Sự động viên của ông Hội và sự hỗ trợ nhiệt tình của Huyện hội và các nhà hảo tâm chính là động lực giúp gia đình quyết tâm xây dựng căn nhà mới, ổn định cuộc sống, xua đi nỗi lo mỗi khi mùa mưa bão tới.
Ông Hội chia sẻ: "Tuổi đã cao, nhiều lúc cũng muốn được nghỉ ngơi, tuy nhiên, chính sự khó khăn của những nạn chất độc da cam và mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ họ càng khiến tôi say mê và gắn bó với công việc này hơn".
Với nỗ lực không mệt mỏi, ông Phạm Đình Hội và tập thể Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Hoa Lư đã nhiều lần được nhận Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành do có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào "Vì nạn nhân chất độc da cam" tại địa phương.
Bài, ảnh: Mạnh Tuấn