Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc, chưa kịp pha trà mời khách, bác sỹ Trần Đức Thủy nói luôn: Các đồng chí muốn tìm hiểu về bệnh viện, xin mời các đồng chí cùng tôi lên khu vực dành cho người nhà bệnh nhân chờ mổ tìm hiểu cho khách quan.
Nói rồi anh bước đi nhanh nhẹn, thật khác so với thân hình "cồng kềnh" của mình. Vừa đi anh Thủy vừa cho biết, sáng nay anh đảm nhiệm 4 ca mổ. Lượng bệnh nhân về Bệnh viện 5 nhiều nên các thầy thuốc ở đây luôn phải làm việc với cường độ cao.
Tôi tranh thủ thời gian hỏi chuyện người nhà các bệnh nhân. Bố của bệnh nhân Bùi Ngọc Quyết ở xóm 2, xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh kể: "Con tôi bị đa chấn thương, gãy hai xương đùi do tai nạn giao thông. Gia đình tôi đang lo nếu phải chuyển lên Hà Nội thì không biết lấy tiền ở đâu, trên đấy cái gì cũng đắt đỏ, đi lại vất vả… Thật may, bây giờ Bệnh viện 5 đã làm tốt những kỹ thuật này mà trực tiếp là được bác sỹ Thủy điều trị, gia đình tôi yên tâm lắm"!
Vợ của bệnh nhân Hoàng Văn Uy, 36 tuổi, quê ở Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình cho biết: "Chồng em bị máy gạch cuốn toàn bộ chân phải vào ống nghiền đất, nửa người dưới nằm gọn trong phễu đựng đất của máy, phải dùng xe công nông chở cả cái máy gạch vào Bệnh viện 5. Các bác sỹ đã tiến hành cấp cứu mà trực tiếp là bác sỹ Thủy và bác sỹ Bắc. Chồng em mất toàn bộ chân phải, lượng máu truyền đến 8 đơn vị. Do chấn thương quá nặng, bị suy kiệt, nên chồng em mất hơn 1 tháng nằm điều trị. Vợ chồng mới ở riêng nên chẳng có tiền. May được bác sỹ Thủy thường xuyên quan tâm, hỗ trợ cả tiền mua thuốc, mua các dụng cụ y tế… Bác sỹ đã cứu sống chồng em, lại còn hỗ trợ tiền nữa, gia đình em chịu ơn nhiều lắm"!
Tìm hiểu tôi được biết, Bệnh viện 5 có nhiệm vụ thu dung, cấp cứu thương, bệnh binh, bệnh nhân thuộc các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam và phía bắc Thanh Hóa. Rất nhiều bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn, tiền ăn còn chưa có nói gì đến việc mua thuốc và kỹ thuật kết xương. Như bệnh nhân Nguyễn Đình Lưu, 46 tuổi, ở thôn Tam Hòa, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa bị tai nạn giao thông được "xe ôm" đưa đi cấp cứu, không có người thân, không tư trang cá nhân. Sau khi khẩn trương cấp cứu người bệnh, bác sỹ Thủy, bác sỹ Bắc cùng các đồng nghiệp đã phát động toàn khoa ủng hộ tiền để mua thuốc và các vật dụng sinh hoạt cho bệnh nhân. Sau đó lại đề nghị bệnh viện hỗ trợ tiền ăn cho gia đình người bệnh và phương tiện kỹ thuật trị giá hơn 5 triệu đồng.
Trò chuyện với bác sỹ Thủy, chúng tôi được biết thêm: Những năm 80 thế kỷ trước, anh công tác tại Bệnh xá đảo Trần thuộc vùng biển Đông Bắc. Anh kể: Có nhiều ngư dân đi đánh cá bị tai nạn, vào bệnh xá trong tình trạng nguy kịch. Anh em tôi cấp cứu rất tích cực, có ca cứu được người nhưng để lại di chứng, nhưng cũng có ca tử vong. Đau xót lắm! Nhưng điều kiện lúc đó rất hạn chế, thiếu phương tiện kỹ thuật, việc hỗ trợ về chuyên môn từ đất liền gần như không có...
Khi được điều về công tác tại Bệnh viện 5, bác sỹ Thủy thường xuyên chứng kiến những bệnh nhân bị chấn thương nặng phải chuyển lên tuyến trên, vừa tốn kém cho gia đình bệnh nhân mà tuyến trên cũng quá tải. Không ít gia đình khi nói phải chuyển lên tuyến trên thì cứ xin ở lại vì sợ không có tiền. Nhưng những ca mổ phức tạp lúc đó Bệnh viện 5 chưa thể làm.
Trăn trở với nỗi đau, nỗi lo của người bệnh và gia đình bệnh nhân, bác sỹ Thủy quyết tâm tự học, chủ động bám tuyến trên để học tập nâng cao trình độ. Anh thường xuyên cập nhật thông tin y học, đặc biệt là chuyên ngành chấn thương để ứng dụng có hiệu quả trong điều trị. Kết quả là nhiều kỹ thuật của tuyến A đã được anh triển khai thành công tại Bệnh viện 5, như: Phẫu thuật kết xương kín điều trị gãy cổ xương đùi; phẫu thuật đặt nẹp DHS điều trị gãy liên mấu chuyển xương đùi; kết xương đinh nội tủy kín có chốt điều trị gãy thân hai xương cẳng chân và điều trị gẫy thân xương đùi; phẫu thuật đặt lại bong điểm bám dây chằng chéo trước, chéo sau ở gối; ghép da xẻ đôi, chuyển vạt da tại chỗ, vạt da hình đảo, vạt cuống mạch liền để bảo tồn các tổn thương khuyết hổng phần mềm do chấn thương…
Các kỹ thuật phẫu thuật cao này đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng điều trị và tăng lượng thu dung của Bệnh viện 5. Nhiều bệnh nhân chấn thương nặng trước đây phải gửi lên tuyến trên thì nay đã được giữ lại điều trị tại Bệnh viện 5.
Không tự mãn với những gì mình làm được, anh tiếp tục nghiên cứu sáng kiến "Giá đỡ kheo chân để đóng đinh nội tủy kín có chốt điều trị gãy thân hai xương cẳng chân". Đây là sáng kiến phức tạp, để nghiên cứu thành công và đưa vào ứng dụng hiệu quả ở bệnh viện tuyến B đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức, phải tham khảo nhiều tài liệu và tranh thủ nhiều ý kiến của đồng nghiệp. Có tuần anh lặn lội lên Hà Nội 3 lần để tranh thủ ý kiến của các thầy, rồi thức trắng đêm viết, vẽ, tính toán để làm sao độ chính xác phải tuyệt đối. Anh hiểu rằng nghề y không cho phép sai sót vì liên quan đến tính mạng con người.
Nhớ lại ca phẫu thuật đầu tiên áp dụng sáng kiến "Giá đỡ kheo chân để đóng đinh nội tủy kín có chốt điều trị gãy thân hai xương cẳng chân", bác sỹ Thủy nói giọng xúc động: Đây là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm bác sỹ của tôi, đánh dấu một bước trưởng thành về chuyên môn kỹ thuật không chỉ của riêng tôi mà còn của tập thể bệnh viện. Bệnh nhân đầu tiên áp dụng sáng kiến ấy là bà Nguyễn Thị Tỵ, 74 tuổi, quê Hải Phú, Hải Hậu, Nam Định. Lúc đó kỳ vọng của mọi người rất lớn, nhưng cũng có ý kiến hoài nghi về tính khả thi của sáng kiến. Bản thân tôi cũng rất hồi hộp, căng thẳng. Song được sự ủng hộ của các thầy tuyến trên, của tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc và các đồng nghiệp, tôi cố gắng làm và lòng luôn tự nhủ tất cả là vì bệnh nhân, vì bệnh viện. Ca phẫu thuật đó được tiến hành trong hơn 2 giờ, các phương tiện kỹ thuật được kết nối một cách hoàn hảo. Khi ra phòng mổ mọi người đều phấn khởi chúc mừng. Điện thoại của tôi liên tục nhận những lời chúc từ các đồng nghiệp, các thầy ở bệnh viện tuyến trên".
Năm 2009 bác sĩ Thủy đạt giải Nhì trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 10 (Giải VIFOTEC). Nhiều năm liền anh được bầu là Chiến sỹ thi đua, được đi báo cáo điển hình tại hội nghị tổng kết Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của ngành quân y và được tặng nhiều Bằng khen của Tổng cục Chính trị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Chia tay bác sỹ Thủy, tôi miên man suy nghĩ. Giữa lúc dư luận nhân dân đang bức xúc với sự xuống cấp về y đức của một bộ phận người làm nghề y thì những suy nghĩ và việc làm vì bệnh nhân của bác sỹ Thủy và đồng nghiệp ở Bệnh viện 5 thật đáng quý. Nếu thầy thuốc nào cũng như bác sỹ Thủy thì tốt cho người bệnh biết bao.
Trịnh Văn Tự (CTV)