Tâm sự với chúng tôi, anh Lam cho biết: Tôi đón nhận cuộc thi với nhiều băn khoăn bởi thời điểm diễn ra cuộc thi, phòng và cơ quan ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đang triển khai rất nhiều công việc, tôi sợ không có thời gian để đáp ứng yêu cầu chất lượng cuộc thi. Song, được sự động viên, khích lệ của lãnh đạo cơ quan, của các anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp, tôi đã tự tin hơn để triển khai kế hoạch tham dự cuộc thi. Chính vì vậy, có thể nói, thành quả của tôi trong cuộc thi này chính là công sức của tập thể.
Cũng theo anh Lam: Cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào" là cuộc thi lớn, được phát động trên phạm vi rộng nên nguồn tư liệu phục vụ cho cuộc thi dồi dào. Điều khó khăn là người tham dự phải biết cô đọng trong hàng nghìn tài liệu ấy thành bài viết của mình với dung lượng không quá 5.000 từ. Đặc biệt là phần sử dụng ảnh minh họa kèm theo bài viết phải đúng chủ đề, nguồn ảnh chính thống. Một khó khăn nữa là phần khai thác tư liệu của tỉnh Ninh Bình với tỉnh U-đôm-xay của Lào rất hiếm.
Để có thời gian dành cho cuộc thi mà không ảnh hưởng nhiều đến công việc, anh đã tranh thủ ngày nghỉ thứ bẩy, chủ nhật và buổi tối để nghiên cứu tài liệu, sưu tầm ảnh phục vụ cho bài dự thi. Quá trình tham dự cuộc thi, anh được đồng chí Thế Minh - phóng viên ảnh của Báo Ninh Bình cung cấp rất nhiều bức ảnh quý về đất nước Lào mà trên các trang thông tin điện tử không bao giờ có. Ngoài ra, để có thêm thông tin về mối quan hệ giữa Việt Nam - Lào, về mối quan hệ giữa tỉnh Ninh Bình với tỉnh U-đôm-xay, anh Lam đã liên hệ một số nơi như: Văn phòng 7- UBND tỉnh; Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Bình và một số trang thông tin điện tử của Báo Ninh Bình, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình. Đặc biệt, trong phần liên hệ với tỉnh Ninh Bình, để có cái nhìn khách quan, đa chiều, anh đã trao đổi với đồng chí Đỗ Thanh Hải, Trưởng Ban liên lạc Quân tình nguyện Việt-Lào tỉnh nhằm có thêm những thông tin về các chiến sĩ người Ninh Bình từng tham gia chiến đấu bên đất nước bạn Lào, trên cơ sở đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ, thân nhân gia đình và đề xuất các giải pháp giữ gìn, phát huy tình cảm hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào.
Tìm hiểu về mối quan hệ lịch sử Việt Nam - Lào đã giúp anh Lam hiểu sâu sắc hơn về mối quan hệ thật đặc biệt ấy. Anh chia sẻ: Tham gia cuộc thi, tôi hiểu rằng mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt - Lào được hun đúc từ quá trình đấu tranh chống lại kẻ thù chung như: chống giặc Lương xâm lược năm 550 (thế kỷ VI); quân Xiêm và Mãn Thanh (thế kỷ XVIII)… đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và nhất là trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội hiện nay. Đặc biệt, quá trình công tác, tôi được nhiều anh em, bạn bè, đồng nghiệp chia sẻ về những kỷ niệm mà họ từng tham gia với các chiến sĩ và nhân dân các bộ tộc Lào chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, tôi hiểu hơn về đất nước Lào, con người Lào trong những năm tháng chiến đấu dù chưa một lần đặt chân đến. Với niềm cảm phục và mong muốn được góp một phần công sức nhỏ bé của mình để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong tỉnh về tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, tôi đã tham gia Cuộc thi với bài viết: Cần làm gì để giữ gìn, phát huy tình cảm hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào.
Bài dự thi của tác giả Ngô Xuân Lam được Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh đánh giá cao không chỉ ở sự công phu, dày công nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn các tài liệu lịch sử, hình ảnh nói về chủ đề cuộc thi mà còn là những giải pháp có tính khả thi cao nhằm giữ gìn, phát huy tình cảm hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào. Trong đó, đáng chú ý là các giải pháp về việc tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào về nước. Anh Lam chia sẻ: Tôi được biết, hiện nay, việc tìm kiếm quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ gặp nhiều khó khăn do nguồn thông tin về nơi an táng hài cốt liệt sĩ ít, độ chính xác không cao... Trong khi đó, tâm nguyện của thân nhân các gia đình liệt sĩ là rất lớn. Do vậy, tôi đã suy nghĩ và mạnh dạn đề xuất một số giải pháp như: Đề nghị có cơ chế hỗ trợ những công chức, viên chức, lao động là thân nhân liệt sỹ đi nghỉ phép năm để tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sỹ; thực hiện xã hội hóa việc tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sỹ. Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn phối hợp với với một số trường Đại học có sinh viên Lào học tập để hỗ trợ việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ…
Trò chuyện với anh Ngô Xuân Lam, tôi nhận thấy ở anh tư duy lịch sử về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào không phải là ca tụng một cách khuôn mẫu mà đó là sự tri ân lịch sử của những con người có tâm, trách nhiệm.
Mai Lan