Phóng viên: Xin ông cho biết nét cơ bản về tổ chức Hội và tình hình nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Ông Tạ Quang Chính: Hiện nay, hệ thống tổ chức của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Ninh Bình đã được phát triển ở cả 3 cấp từ tỉnh đến cơ sở. Các cấp Hội trong tỉnh luôn coi nhiệm vụ xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh là điều kiện quyết định tới việc hoàn thành các nhiệm vụ khác. Vì vậy, chúng tôi đã tập trung vào việc phát triển hội viên, chú trọng kết nạp những nạn nhân có đủ điều kiện (về trí tuệ và sức khỏe) vào Hội, đồng thời vận động kết nạp cả những hội viên danh dự, những "mạnh thường quân". Tổng số hội viên hiện nay là hơn 6.500 người, trong đó, nạn nhân chất độc da cam có hơn 5.000 người. Cùng với việc thụ hưởng các chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, bản thân nạn nhân và gia đình họ đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vươn lên, vượt qua nỗi đau bệnh tật. Tuy vậy, phần lớn trong số đó sức khỏe đã giảm sút, đau ốm liên miên, gia cảnh rất khó khăn.
Phóng viên: Để giúp các nạn nhân vơi bớt khó khăn, tổ chức Hội đã có những hoạt động cụ thể gì, thưa ông?
Ông Tạ Quang Chính: Với mục tiêu chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, các cấp Hội đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, các đoàn thể liên quan, cơ quan báo chí địa phương và Trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh tuyên truyền về hậu quả của thảm họa da cam ở Việt Nam, gương các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ủng hộ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, gương vượt khó vươn lên của nạn nhân, cung cấp các hoàn cảnh nạn nhân chất độc da cam cần sự giúp đỡ…
Khám, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho nạn nhân chất độc da cam huyện Hoa Lư. Ảnh: CTV
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, các cấp Hội đã phát huy tốt chức năng tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thông qua việc nắm chắc tình hình nạn nhân để tham mưu đúng và trúng việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Lãnh đạo Hội các cấp thường xuyên giữ mối liên hệ với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội để nắm vững việc giải quyết chế độ, chính sách cho người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Đồng thời thực hiện tốt chức năng tư vấn, giúp đỡ những người bị phơi nhiễm chưa được hưởng chế độ tiếp tục kê khai và hoàn thiện hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng và các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết, tránh để xảy ra các trường hợp quên lãng, làm sai hoặc các hiện tượng tiêu cực.
Thường trực Tỉnh hội cũng đã chỉ đạo Hội các huyện, thành phố nắm chắc tình hình nạn nhân chất độc da cam, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi… làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xét duyệt các đối tượng được thăm, tặng quà; liên hệ trực tiếp với các tổ chức, cá nhân có tiền, quà ủng hộ nạn nhân chất độc da cam để tiếp nhận, phân cấp. Giao cho Thường trực Hội cấp huyện tổ chức trao quà cho các đối tượng hoặc tổ chức đoàn cán bộ trực tiếp thăm hỏi động viên, tặng quà cho một số gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 10.000 lượt đối tượng nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân với tổng trị giá hàng tỷ đồng.
Phóng viên: Thưa ông, dịp kỷ niệm ngày "Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam" năm nay đã và sẽ có những hoạt động nổi bật nào hướng về các nạn nhân?
Ông Tạ Quang Chính: Trong dịp này chúng tôi phấn đấu bảo đảm 100% các gia đình nạn nhân (cả trực tiếp và gián tiếp) đều được thăm hỏi và tặng quà. Năm nay, ngay từ những ngày cuối tháng 7, rất nhiều hoạt động mang đậm nghĩa tình và trách nhiệm từ cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm hướng về nạn nhân đã được triển khai rộng khắp. Trong đó phải kể đến chương trình khám, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho 500 nạn nhân chất độc da cam tại huyện Hoa Lư; trao 300 suất quà của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Kim Sơn cho các nạn nhân tại xã Lưu Phương… Đồng thời chúng tôi cũng đón nhận sự quan tâm, ủng hộ của các doanh nghiệp, những người con quê hương Ninh Bình ở mọi miền Tổ quốc. Những hoạt động này đã góp phần động viên, tạo niềm phấn khởi, tiếp sức cho nạn nhân chất độc da cam vươn lên trong cuộc sống và giúp các gia đình nạn nhân không mặc cảm với số phận để hòa nhập cộng đồng, tích cực tham gia các hoạt động của Hội và tham gia các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương.
Đặc biệt, vào mỗi dịp như thế này, chúng tôi cũng dành sự quan tâm và sự sẻ chia đến những người đang trực tiếp chăm sóc gia đình nạn nhân ở những gia đình có từ 2 nạn nhân trở lên; những người thuộc thế hệ thứ ba của nạn nhân (ở tỉnh ta con số này có khoảng hơn 300 người)... Đồng thời mong muốn Nhà nước có thêm các chế độ động viên, hỗ trợ những đối tượng này để cuộc sống của họ vơi đi những khó khăn, có động lực vươn lên trong cuộc sống.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Đào Duy