Năm 1972, khi vừa tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà Quách Thị Vang (xã Khánh Cư) hăng hái tham gia vào lực lượng TNXP cùng đồng đội làm nhiệm vụ mở đường mòn Hồ Chí Minh.
Cùng với lực lượng công binh, dân công hỏa tuyến, trung đội TNXP của bà không quản ngại khó khăn, gian khổ, vượt qua mưa bom bão đạn để đảm bảo giao thông thông suốt với khẩu hiệu "trái tim có thể ngừng đập nhưng con đường giao thông huyết mạch không thể tắc".
Sau ngày đất nước được giải phóng, bà chuyển ngành làm công nhân công ty xây lắp công nghiệp Ninh Bình và xây dựng gia đình với thương binh Đinh Văn Thịnh. Bà chia sẻ: Chồng bà vốn là thương binh nặng (hạng 1/4), khi gặp nhau cũng có sự ái ngại, song chính sự đồng cảm giữa hai con người đã từng trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt đã làm họ thấu hiểu nhau và gắn bó với nhau hơn.
Cuộc sống gia đình lúc đầu thiếu thốn, vất vả, song cả hai vợ chồng bà luôn yêu thương, động viên nhau chăm chỉ lao động sản xuất nuôi 3 con gái ăn học.
Năm tháng trôi đi, các con bà đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, gia đình hạnh phúc. Là một cựu TNXP đã từng chứng kiến cảnh hy sinh, mất mát trong thời chiến, giờ đây trở về thời bình, bà luôn suy nghĩ, so với nhiều người khác thì mình đã may mắn hơn rất nhiều.
Nhiều đồng đội đã hy sinh, mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, có người trở về địa phương neo đơn, không nơi nương tựa, tuổi già, bệnh tật...
Chính vì vậy, mặc dù đồng lương ít ỏi, song bà vẫn dành ra một khoản tiền nhỏ để giúp đỡ các chị em, đồng đội vơi đi khó khăn, sống vui, sống khỏe.
Cũng như bà Vang, vợ chồng cựu TNXP Nguyễn Văn Đang (xã Khánh Lợi) luôn là hội viên xuất sắc nhiều năm liền và là người giàu lòng nhân ái. Dù đã ngoài 80 tuổi, ông bà vẫn âm thầm góp công sức, tiền của cho công tác đền ơn đáp nghĩa, tận tình chia sẻ, giúp đỡ với những hoàn cảnh khó khăn.
Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Đang cho biết: Năm 1964, cũng như bao thanh niên Việt Nam yêu nước, ông xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Binh trạm 14, Bộ Tư lệnh 559, làm lái xe.
Tại đây, ông bà đã cùng với đồng đội vượt qua những trọng điểm ác liệt, ngày đêm bám trụ, phá đá mở đường để vận tải hàng hóa, đạn dược vào chi viện cho chiến trường miền Nam.
Trải qua nhiều đơn vị, đến năm 1981, ông trở về địa phương và học nghề y cắt thuốc nam chữa bệnh cho người dân trong vùng. Tiếng lành đồn xa, nhiều người ở các tỉnh khác cũng tìm đến chữa bệnh.
Đến nay, vợ chồng ông Đang có cuộc sống khấm khá, con cháu quây quần. Không chỉ làm giàu cho bản thân, vợ chồng ông còn tích cực tham gia các hoạt động tình nghĩa ở địa phương, tri ân đồng đội và đóng góp tiền của để xây dựng nông thôn mới…
Ông Lại Xuân Hiền, Phó chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Yên Khánh cho chúng tôi biết: Phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến của lực lượng TNXP, Những năm qua, Hội cựu TNXP huyện luôn đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, vun đắp nghĩa tình đồng đội.
Hội đã có nhiều hoạt động phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tranh thủ sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm hỗ trợ TNXP ổn định cuộc sống. 6 tháng đầu năm 2016, các cấp Hội đã tích cực vận động các nhà tài trợ, tạo nguồn lực để tổ chức thăm hỏi, tặng 142 suất quà trị giá 36,8 triệu đồng cho các đối tượng chính sách, hội viên nghèo; tặng 2 sổ tiết kiệm cho 2 nữ TNXP có hoàn cảnh khó khăn. Nổi bật là hoạt động xây dựng nhà tình nghĩa cho hội viên.
Hội đã hoàn thành nghiệm thu 5 nhà tình nghĩa cho hội viên cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn ở các xã: Khánh Cường, Khánh Mậu, Khánh Hải, Khánh Cư và phối hợp với Hội cựu TNXP tỉnh, Hội Doanh nhân CCB tỉnh tặng 1 nhà tình nghĩa cho nữ TNXP Phan Thị Giòn (xã Khánh Thành) với số tiền 45 triệu đồng. Thường trực Hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết chế độ ưu đãi cho 30 TNXP….
Những hoạt động thiết thực của Hội chứa đựng tình cảm, trách nhiệm, sự đùm bọc sẻ chia khó khăn của đồng chí, đồng đội, của cả cộng đồng đối với TNXP năm xưa đã cống hiến cả tuổi xuân và sức khỏe cho độc lập tự do của đất nước.
Qua đó, động viên khích lệ những cựu TNXP, cổ vũ và tiếp sức cho họ sống vui, sống khỏe. Đó cũng chính là cách giáo dục hiệu quả và sinh động về truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn ,tinh thần tương thân tương ái cho các thế hệ hôm nay.
Bài, ảnh: Khải Hoàn