Sau khi có Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) vai trò của nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã được nâng lên một tầm cao mới. Nghị quyết đi vào cuộc sống bằng những chương trình hành động cụ thể của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương và đã được nhân dân đồng tỉnh ủng hộ, hưởng ứng. Qua 5 năm triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), bộ mặt nông thôn ở tỉnh ta đã có những bước chuyển biến toàn diện, người nông dân trở thành chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.Phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại
Nếu như trước đây người nông dân tỉnh ta sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo phương thức quảng canh, phát triển nông nghiệp theo chiều rộng, để đáp ứng nhu cầu về nông sản và thực phẩm của xã hội. Kỹ thuật sản xuất nói chung là lạc hậu, năng suất sản lượng cây trồng, vật nuôi hạn chế, đặc biệt chất lượng sản phẩm chưa thể tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường. Sau khi có Nghị quyết Trung ương số 26, Ban chấp hành T.Ư 7 (khóa X), vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được đẩy lên một bước, tạo ra đột phá rõ nét.
Việc phát triển nông nghiệp đã được Nhà nước hỗ trợ tích cực về mọi mặt, đặc biệt là về giao thông, thủy lợi. Đến nay 100% số xã trong tỉnh đã thực hiện dồn điền, đổi thửa đợt 1 và đang tiến hành đợt 2. Hàng nghìn hộ dân đã hiến đất làm mới được 1.527km đường giao thông nông thôn, trên 700km kênh mương nội đồng; tích cực thực hiện chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học tiến bộ trong sản xuất. Vì vậy sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có nhiều bước tiến mới cả về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, qua đó không chỉ nâng cao về năng suất mà chất lượng sản phẩm đều tăng, an ninh lương thực được đảm bảo. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết, kinh tế nông thôn đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Toàn tỉnh hiện có 77 làng nghề được công nhận. Nhiều làng nghề truyền thống như: chế tác đá mỹ nghệ, thêu ren, nghề mộc, nghề cói…được khôi phục và mở rộng, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn.
Trong lĩnh vực trồng trọt, diện tích gieo trồng hàng năm ổn định khoảng 110 nghìn ha. Trong đó diện tích lúa khoảng 80 nghìn ha. Năng suất lúa đạt 126 tạ/ha/năm; sản lượng lúa hàng năm đạt trên 50 vạn tấn, trong đó có khoảng 23 vạn tấn lúa chất lượng cao. Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp tăng từ 55 triệu đồng/năm (năm 2008) lên 86 triệu đồng (năm 2012). Toàn tỉnh đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa như: sản xuất lúa, nấm, rau an toàn ở Yên Khánh, cây ăn quả ở thị xã Tam Điệp. Qua đó, một số sản phẩm nông nghiệp đang được tỉnh lựa chọn để xây dựng thương hiệu như: gạo Hương Bình, khoai lang Hoàng Long…
Chăn nuôi gia súc, gia cầm đã phát triển khá toàn diện. Cơ cấu đang chuyển dịch theo hướng con nuôi có giá trị kinh tế cao, con nuôi đặc sản. Giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi đến năm 2012 đạt 558 tỷ đồng, tăng 23,7% so với năm 2008. Qua 5 năm, diện tích nuôi trồng thủy sản cũng đã được mở rộng, năm 2012 đạt gần 10,5 nghìn ha, tăng 1,1 nghìn ha so với năm 2008; sản lượng đạt gần 32 nghìn tấn, tăng trên 10 nghìn tấn so với năm 2008. Đặc biệt, trong năm 2012 đã nuôi trồng được 615 ha ngao, sản lượng đạt 12.100 tấn, giá trị đạt 217,1 tỷ đồng. Dần hình thành vùng chuyên canh nuôi ngao ở Kim Sơn...
Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới
Với những thành công toàn diện trên lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng miền núi, vùng biển khó khăn. Người dân vùng nông thôn đã được thụ hưởng các chính sách ưu đãi về giáo dục, y tế, văn hóa, nước sạch. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được các cấp, các ngành chú trọng. Từ năm 2008 đến nay, hàng năm tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho trên 17.000 người, trong đó riêng khu vực nông thôn có khoảng 10.000 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 75%. Đặc biệt, thông qua cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nhận thức của nhân dân trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã có sự chuyển biến tích cực, vừa đảm bảo thuần phong mỹ tục, vừa đảm bảo văn minh, an toàn ở khu dân cư. Thành công lớn nhất sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) đó là làm cho nền nông nghiệp của tỉnh ta từ manh mún, tự phát phát triển theo hướng toàn diện, hiện đại. Khơi dậy được sức mạnh của người dân ở khu vực nông thôn vươn lên làm giàu chính đáng. Từ đó tạo nên nền tảng vững chắc cho sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa- hiện đại hóa của đất nước.
Đáng ghi nhận là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư; cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn đã có bước phát triển đáng kể; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.
Trong đó hệ thống thủy lợi được đầu tư cải tạo, nâng cấp, đến nay cơ bản đủ năng lực phòng, chống thiên tai, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu; đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu, phục vụ sản xuất dân sinh. Giao thông nông thôn được chú trọng đầu tư, được xác định là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đến hết tháng 6-2013, tỉnh đã hỗ trợ 65.000 tấn xi măng, cùng với sự đóng góp của nhân dân, đã nâng cấp, làm mới trên 1.100 km đường giao thông nông thôn.
Hệ thống điện nông thôn được đầu tư cải tạo, củng cố, đảm bảo cung cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của 100% hộ dân. Hệ thống chợ nông thôn với 81 chợ nằm trên địa bàn 78/120 xã nông thôn, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động dịch vụ và đời sống của người dân khu vực nông thôn. Hệ thống bưu điện văn hóa xã, bưu cục, đại lý cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông và Internet hiện diện ở 100% số xã trên địa bàn; 78 xã có nhà văn hóa, 962 thôn có nhà văn hóa, hàng nghìn khu, điểm vui chơi giải trí phục vụ nhu cầu của người dân cũng được quan tâm xây dựng. Các cơ sở y tế, giáo dục các cấp cũng được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Toàn tỉnh đã có 82,6% phòng học được kiên cố hóa, 90/150 trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ, 150/150 trường tiểu học, 90/142 trường THCS đạt chuẩn quốc gia.
Kinh tế nông thôn đã từng bước chuyển dịch từ nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Các làng nghề trong tỉnh đã thu hút trên 30 nghìn lao động có tay nghề, thu nhập bình quân đạt 21,6 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất của các làng nghề đạt 1.550 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2008. Hoạt động của các Hợp tác xã tiếp tục được duy trì, kinh tế trang trại cũng có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết về Nông nghiệp, nông thôn, nông dân, các địa phương trong tỉnh đã tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Cơ sở hạ tầng nông thôn có những thay đổi rõ rệt, tác động tích cực đến việc cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.
Tỉnh đã chọn 31 xã làm điểm để tập trung chỉ đạo hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2015, đến nay toàn tỉnh đã có 7 xã đạt trên 13 tiêu chí, 26 xã đạt từ 9-13 tiêu chí, 86 xã đạt dưới 9 tiêu chí. Tỉnh đang phấn đấu đến hết năm 2013 có từ 2-3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2014 có thêm 6 xã và năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Sau 3 năm triển khai chương trình, 100% các xã đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới; các tiêu chí được triển khai đồng bộ, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng. Kết quả đã xây dựng nâng cấp 1.100 km đường giao thông nông thôn đạt chuẩn, hoàn thành đưa vào sử dụng 3.169 tuyến đường thôn, xóm; kiên cố hóa 261,6 km kênh mương, lắp đặt thêm 250,5 km đường điện, nâng cấp 137 trường học, 121 nhà văn hóa đạt chuẩn quốc gia, xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 27 công trình nước sạch tập trung, xây mới 5 chợ đạt chuẩn…
Toàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình nông thôn mới phù hợp với đặc điểm các vùng sinh thái, là điểm để các cán bộ và nhân dân trong tỉnh học tập kinh nghiệm.
Nguyễn Thơm