Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Ninh Bình vào ngày 9/3/2019, tại xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư. Sau đó dịch đã lan rộng trên địa bàn, tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã phải tiêu hủy gần 108.700 con lợn với tổng trọng lượng trên 6.300 tấn (chiếm khoảng 15% tổng sản lượng thịt hơi/năm).
Bước sang năm 2020, nhờ sự nỗ lực phối hợp giữa lực lượng thú y và các địa phương trong việc chủ động phòng ngừa và ngăn chặn, đến cuối tháng 5/2020, tỉnh đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi.
Thực hiện chủ trương tái đàn, tăng đàn của Bộ Nông nghiệp & PTNT, xét đề nghị của UBND tỉnh, ngày 27/5/2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 14 quy định chính sách hỗ trợ tái đàn lợn nhằm khôi phục ngành chăn nuôi sau dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh năm 2020.
Theo đó, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đáp ứng tiêu chí kinh tế trang trại, có chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phù hợp chăn nuôi lợn; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường; đầu tư tối thiểu 20 con lợn nái hậu bị nhập mới thì sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/1con, tối đa không quá 200 triệu đồng/1 chủ cơ sở chăn nuôi. Hình thức hỗ trợ sau đầu tư.
Trang trại của anh Mai Mạnh Tiến, xóm Bắc Bình Hải, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô có quy mô 80 lợn nái và 350 lợn thịt, được công nhận là cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Dù trong giai đoạn có dịch tả lợn châu Phi tại địa phương, nhưng nhờ thực hiện đầy đủ các khâu tiêu độc, khử trùng và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, gia đình anh vẫn giữ được đàn lợn.
Anh Tiến cho biết: Giữa năm 2019, trang trại đối mặt với nhiều khó khăn, giá lợn hơi chạm đáy cộng thêm với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, gia đình tôi đã phải vay mượn khắp nơi, cố gắng cầm cự, duy trì số lượng lợn sẵn có, vừa nuôi vừa thăm dò.
Thời điểm này, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, nên tôi mạnh dạn mua hơn 70 con lợn nái giống để mở rộng sản xuất. Giá giống thời điểm này khá cao, khoảng 11-13 triệu đồng/con nhưng may mắn là gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 14 của HĐND tỉnh nên tôi cũng đỡ lo lắng.
Theo anh Tiến, chính sách hỗ trợ này rất kịp thời và hợp lý. Bởi đầu tư con giống cần nguồn kinh phí lớn, trong khi đó nhiều hộ lại gặp khó khăn về vốn. Dự kiến với đàn nái giống mới nhập này của gia đình, sau khoảng 4-5 tháng nữa sẽ có lứa lợn con đầu tiên phục vụ chăn nuôi tại chỗ cũng như cung cấp cho các hộ chăn nuôi quanh vùng có nhu cầu.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Mô cho biết: Sau khi có chính sách hỗ trợ tái đàn của tỉnh, Trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện ra văn bản hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện, tuyên truyền rộng rãi đến người chăn nuôi để bà con nắm bắt được chủ trương này.
Ngoài ra, phân công cán bộ chuyên môn xuống cơ sở kiểm tra các điều kiện về chuồng trại, điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học cũng như hướng dẫn cho người dân khi nhập lợn giống phải đảm bảo đầy đủ các hóa đơn, chứng từ, giấy kiểm dịch để làm thủ tục thanh quyết toán sau này. Đến nay, toàn huyện đã có 14 hộ chăn nuôi đăng ký tái đàn, trong đó có 7 hộ đã nhập lợn về với số lượng 405 con nái.
Theo Sở Nông nghiệp & PTNT, vi rút dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát. Đáng lo ngại là vi rút này hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh.
Thực tế thì dịch bệnh vẫn đang xảy ra tại một số địa phương. Chính vì vậy, các chính sách hỗ trợ tái đàn của tỉnh lần này chủ yếu là các trang trại chăn nuôi sinh học, công nghệ cao, trang trại đủ điều kiện về môi trường, phòng chống dịch và không khuyến khích, hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trọng tâm là hỗ trợ các trang trại nhập thêm lợn nái giống, đảm bảo phẩm cấp.
Đến thời điểm đầu tháng 10, tổng đàn lợn trên địa bàn khoảng 287 nghìn con, trong đó đàn lợn nái và đực giống là 42 nghìn con, còn lại là lợn thịt và lợn con theo mẹ. Như vậy, tổng đàn hiện tại đã tăng khoảng 70 nghìn con, bằng 118,3% so với thời điểm cuối năm 2019.
Còn theo tổng hợp từ các địa phương, vừa qua các hộ chăn nuôi đã đăng ký và nhập thêm về khoảng 1,3 nghìn lợn nái hậu bị, nhiều nhất là: thành phố Tam Điệp 466 con, Yên Mô 405 con, Yên Khánh 208 con, Kim Sơn 400 con. Đây là "tín hiệu vui" cho việc tái đàn lợn một cách hiệu quả, hướng tới đảm bảo nguồn cung thịt lợn, ổn định giá cả thị trường, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán sắp tới.
Bài, ảnh: Hà Phương