Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong giai đoạn 2016-2020, kết quả thực hiện Nghị quyết dự kiến đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt 2,05%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha canh tác đến năm 2020 dự kiến đạt 135 triệu đồng/ha canh tác (vượt 5 triệu đồng/ha so với mục tiêu đề ra). Cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản; hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa; từng bước xây dựng, nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững, gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch.
Trên lĩnh vực trồng trọt, diện tích gieo trồng toàn tỉnh có xu hướng giảm, diện tích canh tác lúa đến năm 2019 còn 73,6 nghìn ha (giảm 2,4 nghìn ha so với mục tiêu Nghị quyết), trong đó diện tích lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 65,6% tổng diện tích. Mặc dù diện tích gieo trồng giảm nhưng do áp dụng hiệu quả khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong thâm canh, phòng chống dịch bệnh, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu sản xuất... nên năng suất, chất lượng, sản lượng cây trồng được tăng cao, đảm bảo an ninh lương thực và tiêu dùng nội địa. Sản xuất rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp được chú trọng phát triển và sản xuất theo tín hiệu thị trường. Từng bước xây dựng, phát triển các vùng sản xuất rau-củ-quả hàng hóa, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm ở các xã Khánh Hải, Khánh Hội (Yên Khánh), Khánh Dương (Yên Mô) với quy mô trên 20 ha tập trung/vùng; ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính ở Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn, thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình. Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, các địa phương còn tích cực chuyển đổi diện tích đất có hiệu quả sử dụng thấp sang các mô hình sản xuất có hiệu quả cao hơn. Toàn tỉnh chuyển đổi trên 6.600 ha sang các hình thức sản xuất: cây hàng năm khác; nuôi thủy sản; cây ăn quả kết hợp nuôi thủy sản; lúa - thủy sản; lúa - thủy cầm. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ các địa phương mua thiết bị phục vụ cơ giới hóa các khâu sản xuất, bảo quản, sơ chế biến nông sản. Mức độ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 98,5%; khâu gieo cấy đạt 11,21%; khâu thu hoạch 78,1%; khâu sấy đạt 3,68%. Bước đầu thí điểm thành công gieo mạ khay, cấy bằng máy trong sản xuất lúa.
Chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa với quy mô phù hợp, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm với các đối tượng vật nuôi chủ lực có lợi thế. Phương thức chăn nuôi đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ từ nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức gia trại, trang trại quy mô lớn và từng bước hiện đại, toàn tỉnh hiện có 201 trang trại chăn nuôi, tăng 47% so với năm 2015. Trong đó một số trang trại đã ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa vào sản xuất và quản lý mang lại hiệu quả cao. Hình thành nhiều vùng, cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị như: Gà đẻ trứng ứng dụng công nghệ cao (50 nghìn gà đẻ ở xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp), chuỗi giá trị gà lai Đông Tảo (20 nghìn con/năm ở xã Đồng Phong, huyện Nho Quan), chăn nuôi gà, lợn hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu (xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn), các chuỗi giá trị con nuôi đặc sản ở thành phố Tam Điệp, huyện Nho Quan…
Lĩnh vực thủy sản phát triển thuận lợi, tăng trưởng cả về nuôi trồng và khai thác. Các mô hình sản xuất thủy sản theo hướng tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao tiếp tục được áp dụng và nhân rộng. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2019 ước đạt hơn 14 nghìn ha, trong đó nuôi thủy sản nước ngọt đạt hơn 10.800 ha, nuôi thủy sản nước mặn, lợ đạt 3.500 ha. Trong sản xuất thủy sản nước ngọt, bên cạnh các đối tượng nuôi truyền thống, hiện nay các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, đối tượng thủy sản đặc sản được người nuôi ưu tiên lựa chọn vào phát triển sản xuất như cá trắm đen, cá chép lai, tôm càng xanh, ba ba, chạch... để nâng cao hiệu quả sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường. Phong trào nuôi thâm canh cá ao nổi ở huyện Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với quy định chuyển đổi đất lúa, cho năng suất từ 7 - 15 tấn/ha/năm, doanh thu từ 300 - 800 triệu đồng/ha/năm. Đối với thủy sản nước mặn lợ đã hình thành vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (nhà lưới, nhà bạt, chế phẩm sinh học, thâm canh 3 vụ/năm), giá trị 9-10 tỷ đồng/ha (thị trấn Bình Minh), hiện đang nhân rộng ra các xã ven biển.
Nghị quyết 05 được ban hành đã đưa nông nghiệp Ninh Bình chuyển sang giai đoạn phát triển mới với nội dung cơ bản là sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, bền vững. Nhờ đó, nông nghiệp Ninh Bình đang chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản; cơ cấu sản xuất đang chuyển đổi hợp lý từ chiều rộng sang chiều sâu; sản xuất theo định hướng thị trường, gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khoa học công nghệ, công nghệ cao đang được ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất, giá trị, hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; đổi mới các hình thức sản xuất, thúc đẩy sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới.
Giáng Hương