Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thu tiền tỷ
Tại xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, mô hình trồng rau trong nhà lưới của Công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ xanh đang phát huy hiệu quả tốt, sản xuất ra hàng hóa có chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, được khách hàng tin dùng.
Chị Vũ Thị Cúc, cán bộ quản lý của Công ty cho biết: Công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ xanh được thành lập từ năm 2013 trên cơ sở một nhóm hộ cùng nhau tích tụ ruộng đất, mua lại của các hộ không có nhu cầu để sản xuất hàng hóa. Trước đây, trên diện tích 15ha, Công ty đã thực hiện cải tạo đất trồng các cây hàng hóa như: dưa lê, dưa chuột, rau, củ các loại.
Công nghệ chính áp dụng thời điểm này là đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm sức lao động và sử lý đất trước khi sản xuất bằng phân hữu cơ kết hợp lân, men vi sinh để sản xuất sản phẩm an toàn. Hoạt động sản xuất chủ yếu trồng các loại cây theo mùa vụ, chịu tác động khá lớn của thời tiết và thị trường.
Đầu năm 2018, Công ty được hỗ trợ 500 triệu đồng theo chính sách Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh và được Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ về mặt kỹ thuật đầu tư 0,5 ha nhà màng, nhà lưới sản xuất các loại cây trồng mới, nhất là cây trồng trái vụ như: dưa chịu nhiệt, cà chua sôcôla, cải bắp, su hào chịu nhiệt, các loại rau giống....
Qua quá trình trồng, chăm sóc trong nhà màng, nhà lưới cho thấy ưu điểm lớn nhất là ít bị tác động bởi thời tiết như mưa lớn, mưa kéo dài, bão, gió.... Ví dụ, đợt mưa kéo dài cuối tháng 8 và đầu tháng 9 làm nhiều diện tích rau của bà con nông dân bị ảnh hưởng, nguồn cung thiếu, giá rau xanh tăng. Nhưng rau thương phẩm và rau giống trong nhà màng, nhà lưới của Công ty vẫn phát triển tốt.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế sâu bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, đem lại nguồn rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, người sản xuất có thể tính toán, chủ động thời vụ, trồng các loại rau trái vụ cung ứng ra thị trường vào những thời điểm giá cả hàng hóa cao nhất. Ngoài ra, so với trồng rau bên ngoài thì rau trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao có thời gian thu hoạch ngắn hơn so với bên ngoài, năng suất đạt cao hơn, sản phẩm và màu sắc đẹp, vì thế mà hiệu quả kinh tế cũng cao hơn.
Hiện nay mô hình sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới của Công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ xanh đang phát huy hiệu quả, dự kiến sẽ cho giá trị thu hoạch hàng tỷ đồng/ha mỗi năm. Công ty đã ký được các hợp đồng cung ứng rau an toàn, rau sạch cho nhiều doanh nghiệp (gồm Công ty cổ phần Đầu tư Việt Xanh, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam, Công ty Xuất khập khẩu nông sản Kiên Giang) và mọi hoạt động sản xuất đều được thực hiện theo các đơn đặt hàng, theo tín hiệu của thị trường. Với hiệu quả bước đầu mang lại, Công ty dự định tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn trong nhà màng, nhà lưới kết hợp với hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt để cung ứng nhiều hơn nữa rau an toàn ra thị trường.
Được Sở Nông nghiệp và PTNT chuyển giao công nghệ, hỗ trợ một phần các chi phí (gồm hệ thống tưới, cây giống, phân bón) và kỹ thuật sản xuất theo chính sách của tỉnh, Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao DG tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư đã xây dựng thành công mô hình trồng hoa Lan Hồ Điệp trong nhà lưới kín với diện tích 1.000 m2.
Anh Nguyễn Văn Dũng, cán bộ phụ trách kỹ thuật cho biết: Toàn bộ hệ thống nhà lưới trồng Lan Hồ Điệp được áp dụng theo công nghệ Nhật Bản, có khung sắt đỡ chắc chắn và cáp chụi lực có thể chống bão lớn. Bên trên là mái che nhiều lớp để giảm tác động của thời tiết, có thể cắt nắng, tránh nhiệt độ cao ảnh hưởng tới sinh trưởng và phát triển của hoa. Mô hình còn trang bị đầy đủ các thiết bị như: Đèn cao áp để sưởi ấm cho hoa vào mùa đông, các quạt thông gió, hệ thống làm mát để giảm nhiệt độ, tạo độ ẩm.
Nhờ ứng dụng công nghệ cao, trong quá trình sản xuất cán bộ kỹ thuật của Công ty có thể chủ động điều chỉnh quá trình sinh trưởng của hoa, cho hoa nở vào những thời điểm nhu cầu thị trường cao và giá tốt nhất. Ví dụ, muốn ra hoa đồng loạt vào thời điểm lễ, tết, bên cạnh việc bổ sung thêm các chất điều hòa sinh trưởng, điều chỉnh độ ẩm hợp lý.... cán bộ kỹ thuật còn tạo nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm, bằng cách sử dụng hệ thống làm mát để giảm nhiệt độ về đêm từ 13-18 độ c và duy trì nhiệt độ ban ngày từ 25 -30 độ c.
Theo đại diện của Công ty TNHH nông nghiệp Công nghệ cao DG, sau hơn 1 năm triển khai ứng dụng công nghệ cao trong nuôi, cấy Lan Hồ Điệp, mô hình cho hiệu quả cao, cây lan sinh trưởng và phát triển tốt. Dự kiến dịp Tết Nguyên đán năm nay, Công ty cung ứng ra thị trường 2 vạn cây Lan Hồ Điệp. Nếu khai thác hết công suất sẽ cho ra 3,5 vạn cây hoa/năm, trừ chi phí thu lãi từ 1,5-2 tỷ đồng/năm.
Xác định ứng dụng khoa học kỹ thuật là khâu then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nhanh, bền vững, ngày 26/10/2016 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU và ngay sau đó, ngày 14/12/2016 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 37 về "Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình". Đây được xem là một hệ thống chính sách đồng bộ khuyến khích các doanh nghiệp, các HTX, các hộ sản xuất tích cực ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra hàng hóa an toàn với khối lượng lớn, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
Nghị quyết đã quy định rõ những lĩnh vực nông nghiệp được khuyến khích đầu tư và một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao như: đối với những mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ từ 200 - 300 triệu đồng; các dự án được hỗ trợ không quá 500 triệu đồng; đối với doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngoài hỗ trợ về đất đai, tín dụng... theo quy định của pháp luật, tỉnh còn hỗ trợ về nghiên cứu, lựa chọn, chuyển giao công nghệ, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, năng suất, giá trị gia tăng cao.
Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh, toàn tỉnh đã có 270 mô hình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm được hỗ trợ với tổng kinh phí 75 tỷ đồng. Trong đó, có 49 mô hình, dự án ứng dụng công nghệ cao (năm 2017 là 27 mô hình, dự án và 9 tháng đầu năm 2018 đã triển khai 22 mô hình, dự án). Các mô hình, dự án được triển khai ở tất cả các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản,....
Qua đánh giá sơ bộ, hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt và đang được nhân rộng, như: Mô hình nuôi lợn hữu cơ ở Gia Hòa (Gia Viễn) được Châu Âu chứng nhận; các mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, nhà kính, ứng dụng tưới tiết kiệm, nhỏ giọt được bắt đầu từ xã Mai Sơn, Yên Mô, hiện nay đã nhân ra nhiều địa phương trong tỉnh như huyện Yên Khánh, thành phố Tam Điệp, huyện Gia Viễn, thành phố Ninh Bình… có giá trị thu hoạch đạt khoảng 2 tỷ đồng/ha/năm; mô hình sản xuất rau an toàn xuất khẩu, sử dụng tưới nhỏ giọt, cáp treo làm giàn ở Khánh Cư, Khánh Hội, Khánh Cường, huyện Yên Khánh có giá trị thu hoạch từ 400-500 triệu đồng/ha/vụ rau, tương đương khoảng 1,2-1,5 tỷ đồng/ha/năm; mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới tại huyện Kim Sơn, có giá trị bình quân 1ha đạt 9-10 tỷ đồng/năm, hiện đang nhân rộng ra các xã ven biển...
Như vậy, việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không những khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, tăng nhanh giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích mà còn tăng khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tăng cường giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh là: Tăng cường các hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực, sản phẩm đột phá, hiệu quả cao. Đến năm 2020, tỷ trọng giá trị từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt từ 10% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Để thực hiện mục tiêu đó, trong thời gian tới, tỉnh ta cần tăng cường các giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tạo đà cho ngành Nông nghiệp phát triển bền vững.
Mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới chống nóng, chống bão của Sở Nông nghiệp và PTNT. Ảnh: Trường Giang
Thực hiện Nghị quyết số 37 của HĐND tỉnh, trong 2 năm qua ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và đã đạt được những kết quả khả quan. Các mô hình, dự án thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước hình thành phương thức sản xuất mới, hiện đại, thu nhập và đời sống của nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên cũng cần thẳng thắn nhìn nhận việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Theo ông Phạm Đăng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ cao và Xúc tiến thương mại nông nghiệp (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT), nguyên nhân chính là do vốn đầu tư cho ứng dụng công nghệ cao lớn. Mặc dù tỉnh đã ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư với các mô hình, dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhưng so với tổng vốn đầu tư vào mô hình, dự án thì sự hỗ trợ này vẫn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, tại Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước, dành ít nhất 100 nghìn tỷ đồng để thực hiện chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên chưa có tổ chức, cá nhân nào trên địa bàn tỉnh có thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này, kể cả các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp lớn như: Công ty cổ phần Đầu tư Việt Xanh; Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Tổng công ty Giống cây trồng con nuôi Ninh Bình.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Ngọc Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thủy sản Bình Minh cho rằng, muốn đầu tư ứng dụng công nghệ cao thì người sản xuất phải có trong tay tiền tỷ. Ví dụ, để xây dựng thành công mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm có hệ thống ao nuôi hiện đại, có thể duy trì sản xuất tôm 3- 4 vụ/năm với mật độ nuôi đạt 200 con/m2, năng suất mỗi ha đạt từ 20-25 tấn/vụ, doanh thu một năm đạt từ 8-9 tỷ đồng/ha, thì bên cạnh việc đầu tư thời gian, công sức để nghiên cứu, tham quan, học hỏi kinh nghiệm, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thủy sản Bình Minh đã bỏ ra vốn ban đầu lên đến 28 tỷ đồng. Đây là suất đầu tư quá lớn đối với các hộ nuôi trồng thủy sản ở vùng bãi ngang huyện Kim Sơn. Do vậy, tỉnh cần nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn để các hộ sản xuất, các HTX, các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ.
Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn, người sản xuất cũng cho rằng thị trường nông sản thiếu ổn định, rủi ro cao, sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra từ ứng dụng công nghệ cao khó tiêu thụ do giá cả cao hơn sản phẩm sản xuất thông thường. Trong khi, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn thiếu và yếu nên nhiều hộ nông dân, đặc biệt doanh nghiệp chưa thực sự "mặn mà" trong việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Chị Vũ Thị Cúc, cán bộ quản lý Công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ xanh cho rằng việc ứng dụng công nghệ cao cần được thực hiện song song với xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mọi hoạt động sản xuất sẽ được thực hiện chủ yếu trên cơ sở các hợp đồng đã ký kết với các đơn vị, doanh nghiệp và một phần nhỏ theo tín hiệu của thị trường. Như vậy, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao mới có chỗ đứng và không bị "đánh đồng" với sản phẩm sản xuất thông thường.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay việc hiểu về vai trò, lợi ích của ứng dụng công nghệ cao đối với người dân còn ở mức độ. Việc ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phải có cán bộ và người sản xuất đủ trình độ để tiếp cận và sử dụng công nghệ, tuy nhiên lực lượng này hiện nay còn mỏng. Do vậy, vẫn có hiện tượng đã đầu tư xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhưng cán bộ áp dụng không đúng kỹ thuật, dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa cao.
Ông Phạm Đăng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ cao và Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết: Hiện nay, vì mục tiêu phát triển chung nên diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, năng suất cây trồng, vật nuôi gần như đã đạt trần. Vì vậy, để tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác, không có cách nào khác là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh, đòi hỏi tỉnh phải triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Tuy nhiên giải pháp cơ bản nhất tạo sự đột phá cho ngành Nông nghiệp đó là thu hút đầu tư, thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bởi chỉ khi các doanh nghiệp cùng tham gia với nông dân thì mới có điều kiện đưa công nghệ hiện đại, đồng bộ vào sản xuất. Điều này đã được chứng minh ở rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước, điển hình như ở Lâm Đồng - "thủ phủ" ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thì doanh nghiệp là hạt nhân nòng cốt trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có cả các doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư lớn.
Cùng với thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện quy hoạch chi tiết vùng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao theo sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của từng địa phương.
Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trước mắt tập trung cho rau, hoa, chăn nuôi lợn, tôm... Ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu lựa chọn các công nghệ phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, tập quán canh tác của bà con nông dân.
Đồng thời, tăng cường hợp tác với các trường đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thử nghiệm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là chủ các trang trại, HTX, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm các loại giống cây trồng, vật nuôi mới.
Một trong những giải pháp quan trọng nữa là hỗ trợ nông dân xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu để tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngành Nông nghiệp cũng tập trung phát triển dịch vụ nông nghiệp mang tính chất tổng thể, tức là hình thành các trạm, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp có chức năng tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân và hướng tới thực hiện thi công, lắp đặt các công trình ứng dụng công nghệ cao như: nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm...
Cùng với sự nỗ lực cố gắng của ngành Nông nghiệp, các địa phương, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh bằng nhiều hình thức. Tạo điều kiện hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhất là khó khăn về vốn để người sản xuất được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ về ứng dụng công nghệ cao, về phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Có giải pháp để tập trung, tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện kêu gọi, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xem là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong thời kỳ hội nhập, là giải pháp mạnh, hiệu quả trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Do vậy, việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh sẽ là động lực quan trọng cho ngành Nông nghiệp của tỉnh ta phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Hồng Giang