Từng bước đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính và đi vào tập quán sản xuất của người dân. Gắn sản xuất vụ đông với việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nhìn lại 2 năm Nghị quyết đi vào cuộc sống, có thể cảm nhận được những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp nói chung và vụ đông nói riêng của tỉnh Ninh Bình.
Diện tích, giá trị tăng cao
Đồng chí Nguyễn Hữu Vinh, Trưởng Phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT cho biết: Vụ đông năm 2005, cả tỉnh chỉ canh tác được tổng diện tích là 9.377,8 ha thì đến vụ đông năm 2006, diện tích đã tăng lên 14.582,5 ha (tăng 156%). Năm 2007 là 16.220,5 ha (tăng 111% so với năm 2006). Điều đáng nói ở đây là diện tích cây vụ đông phát triển trên đất 2 lúa khá cao, năm 2006 là 9.806,2 ha và năm 2007 là 10.834,4 ha.
Không phải ngẫu nhiên mà phong trào sản xuất cây vụ đông phát triển mạnh mẽ như vậy. Đó là nhờ sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, sự lãnh đạo thống nhất, nghiêm túc từ trên xuống dưới, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành từ việc quy hoạch, xây dựng kế hoạch sản xuất đến việc bố trí cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng. Cán bộ cùng với nông dân đã giải quyết không ít những khó khăn, nhất là về tư tưởng. Các vấn đề về chính sách hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật chăm bón, giải quyết khâu sau thu hoạch… đã được quán triệt và tổ chức hợp lý thành một vòng khép kín tạo tâm lý yên tâm cho người dân phát triển, mở rộng sản xuất.
Thu hoạch dưa bao tử ở xã Khánh Hồng (Yên Khánh).
Do cây vụ đông phần lớn là những cây có tỷ trọng hàng hóa cao. Thêm vào đó, một số địa phương đã nỗ lực cố gắng trong việc xúc tiến thương mại, chủ động tìm kiếm thị trường, ký hợp đồng với các công ty để bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Nhờ đó giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích không ngừng tăng cao. Giá trị sản xuất cây vụ đông năm 2006 ước đạt 218.520 triệu đồng, bằng 180% giá trị sản xuất vụ đông năm 2005; giá trị bình quân đạt 14,88 triệu đồng/ha gieo trồng. Sang đến năm 2007, giá trị sản xuất vụ đông đã tăng lên 258.601 triệu đồng (tăng 131,6% so với năm 2006), giá trị bình quân 15,94 triệu đồng/ha. Một số cây có giá trị kinh tế cao có khả năng chế biến xuất khẩu như cà chua đạt 73,5 triệu đồng/ha, ớt xanh đạt 23-27 triệu đồng/ha, ngô ngọt đạt 12-15 triệu đồng/ha. Như vậy, vụ đông chính là yếu tố quan trọng góp phần tăng giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp từ 31,3 triệu đồng năm 2006 lên 41,5 triệu đồng năm 2007 và ước đạt 60 triệu đồng năm 2008.
Phong trào phát triển rộng
Hiện Nho Quan một huyện miền núi với địa hình phức tạp, việc phát triển cây vụ đông là việc hết sức khó khăn. Quá trình hình thành và phát triển vụ đông trên địa bàn huyện là sự quyết tâm của lãnh đạo trong hoàn cảnh "cái khó ló cái khôn". Đồng chí Nguyễn Văn Dưỡng, Phó Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Nhân dân Nho Quan ít nơi có tập quán trồng mầu nên bước đầu đưa vụ đông vào sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhưng do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, cùng với đó là các chế độ hỗ trợ về giống, vốn và kỹ thuật nên nhận thức của nhân dân ngày một nâng lên, sản xuất vụ đông dần trở thành tập quán ở nhiều nơi. Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn bố trí cơ cấu trà lúa, giống lúa hợp lý, đưa 60-70% diện tích trà mùa sớm vào sản xuất để giải phóng đất nhanh, đảm bảo gieo trồng cây vụ đông kịp thời vụ. Bên cạnh đó tiến hành nạo vét kênh mương, tu sửa bờ vùng, bờ thửa, sửa chữa các trạm bơm đáp ứng nhu cầu sản xuất. Toàn huyện đã tổ chức được hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây vụ đông và các mô hình sản xuất cây trồng mới đến tận thôn, bản, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Kết quả năm 2007, toàn huyện đã trồng được 4.320 ha, doanh thu 71 tỷ đồng, tăng 13 tỷ đồng so với năm trước. Một số xã đã mạnh dạn chuyển đổi, đưa cây trồng mang giá trị hàng hóa cao, có bao tiêu sản phẩm vào sản xuất như xã Đức Long, Phú Lộc, Yên Quang đã chủ động ký hợp đồng với công ty Hồng Quang trồng ớt xuất khẩu, năng suất bình quân đạt 21,55 tấn/ha, cho thu nhập bình quân 54 triệu đồng/ha. Vụ đông năm nay huyện phấn đấu gieo trồng 3.562,7 ha, trong đó diện tích một số cây trồng chính là cây ngô 1.200 ha, lạc 300 ha, khoai lang 786,7 ha, khoai sọ 297,1 ha.
Nông dân xã Gia Phú (Gia Viễn) chăm sóc rau vụ đông.
Khác với Nho Quan, Yên Mô có ưu thế là đất đai bằng phẳng, màu mỡ hơn, nhân dân lại có tập quán trồng cây vụ đông từ trước nên có nhiều kinh nghiệm thâm canh. Sau khi có Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy lại càng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các cây trồng vụ đông. Vụ đông năm 2007, toàn huyện gieo trồng 4.686 ha, trong đó diện tích trên đất 2 lúa là 2.621,3 ha, đất lúa màu là 457,6 ha, đất màu là 593,1 ha. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật thâm canh nên năng suất các loại cây trồng ở mức khá. Ngô đạt 45,2 tạ/ha, lạc 18,5 tạ/ha, ớt 163,6 tạ/ha… đạt tổng giá trị là 57.547 triệu đồng, tăng 8.500 triệu đồng so với vụ đông năm 2006, giá trị thu hoạch bình quân đạt 15,7 triệu đồng/ha. Nét mới trong năm nay là một số xã, HTX đã chủ động ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao đưa cây ngô ngọt vào sản xuất, hứa hẹn sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn ngô thương phẩm khoảng 357.000 đồng/sào. Mục tiêu của huyện trong thời gian tới là tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất vụ đông bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Như vậy sau 2 năm Nghị quyết số 03 đi vào cuộc sống đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong đại bộ phận nông dân, nông thôn, tạo khí thế mới trong lao động sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong những năm tới tỉnh vẫn sẽ duy trì và mở rộng diện tích cây vụ đông. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 tổng diện tích cây vụ đông của tỉnh là 25.000ha, trong đó đất 2 lúa là 70%. Cơ cấu cây trồng chủ lực vẫn là cây đậu tương và cây ngô với diện tích đến năm 2010 phải đạt 11.000 - 12.000 ha trên đất 2 lúa. Mở rộng diện tích cây ưa lạnh, cây xuất khẩu, cây có giá trị kinh tế cao như ớt, dưa bao tử, ngô ngọt, cà chua… Các giải pháp chính được đưa ra là: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, chỉ đạo sản xuất vụ đông đặc biệt quan tâm đến các xã, HTX có tiềm năng nhưng chưa có tập quán. Đẩy mạnh công tác làm thủy lợi nội đồng, xây dựng thêm nhiều công trình đầu mối phục vụ sản xuất. Tiếp tục chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Làm tốt công tác xúc tiến thương mại, khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đầu tư cho sản xuất.
Đinh Chúc - Nguyễn Lựu