Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương, nơi có làng nghề chạm khắc đá mỹ nghệ nổi tiếng, hình ảnh những người thợ đá cần cù, miệt mài bằng đôi bàn tay khéo léo "thổi hồn" vào những phiến đá vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật làm lay động lòng người đã in sâu vào tâm trí của chị. Và chị gắn bó với nghề làm đá như một lẽ tự nhiên. Chị tâm sự: Trước đây, gia đình tôi làm nông nghiệp là chính, để có tiền cho con ăn học, tôi xoay sở đủ nghề từ làm hàng sáo, nuôi lợn, nuôi bò kéo xe chở đá thuê nhưng cũng chỉ đủ ăn, tôi luôn trăn trở suy nghĩ làm gì để phát triển kinh tế.
Giữa lúc đó, tôi được các cấp Hội nông dân tổ chức cho đi tham quan học tập các mô hình điển hình về phát triển kinh tế, tôi tự nhủ quê hương mình có lợi thế núi đá vôi và nghề chế tác đá đã có từ lâu đời, tại sao mình lại không phát huy nghề của cha ông. Nghĩ vậy, tôi quyết định chuyển hướng học nghề chế tác đá.
Để có thể thực hiện được mơ ước của mình, chị Thịnh đã phải vượt qua bao khó khăn thử thách bởi trong quan niệm của nhiều người thì nghề này chỉ thích hợp với nam giới. Cùng một lúc chị phải gánh hai vai, vừa làm nghề vừa phải làm tròn bổn phận của một người phụ nữ trong gia đình. Thế nhưng, với lòng quyết tâm chị Thịnh kiên trì học nghề và rèn nghề…
Lúc đầu làm với quy mô nhỏ tại gia đình nên không đủ cung cấp cho thị trường, mặt khác lại gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Năm 2006, khi địa phương có chủ trương thành lập khu làng nghề tập trung, chị Thịnh đã mạnh dạn tiên phong mua mảnh đất 1.000m2 trong khu quy hoạch làng nghề để xây dựng cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Thịnh Vượng.
Chị xác định, muốn làm ăn lâu dài thì phải đầu tư nhà xưởng, máy móc hiện đại, tuân thủ các quy định của địa phương, nhất là vấn đề bảo vệ môi trường, tuyển và đào tạo đội ngũ công nhân có tay nghề cao, giữ chữ tín với khách hàng.
Giữa lúc gặp khó khăn vì thiếu vốn để mở rộng sản xuất, chị được Hội nông dân các cấp quan tâm, hỗ trợ cho vay vốn: Hội nông dân tỉnh tạo điều kiện cho vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân, Trung ương Hội hỗ trợ một số máy móc, thiết bị từ Dự án "Hỗ trợ mô hình tổ hợp tác sản xuất chế tác hàng đá mỹ nghệ", Hội nông dân xã đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn của Ngân hàng CSXH theo chương trình giải quyết việc làm.
Từ đó, chị đã tích cực tìm tòi, sáng tạo ra nhiều mẫu mã sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Sản phẩm đá mỹ nghệ gia đình chị làm ra có chất lượng tốt, bền đẹp, giá cả hợp lý, nhiều lúc không kịp hàng để bán.
Sau gần 10 năm thành lập, cơ sở sản xuất của chị Thịnh ngày càng ổn định và phát triển, hàng năm trừ chi phí thu lãi trên 300 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân từ 7-9 triệu đồng/tháng, lao động thời vụ từ 3-5 triệu đồng/tháng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Thịnh còn là một cán bộ hội gương mẫu, nhiệt huyết với phong trào. Đảm nhận vai trò là ủy viên BCH Hội nông dân xã, chị đã chủ động phối hợp với Hội nông dân tỉnh và các doanh nghiệp mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề cho hội viên, nông dân đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các chị em phụ nữ và người dân đến tham quan học tập mô hình để phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài ra, chị còn giúp đỡ các hội viên nghèo cho vay không lấy lãi với tổng số tiền 100 triệu đồng, tặng quà trị giá gần 30 triệu đồng cho 11 hộ gia đình nghèo.
Chị mong muốn không chỉ là làm kinh tế cho gia đình mà còn duy trì phát triển nghề truyền thống của ông cha để lại, tạo được nhiều việc làm cho người lao động giúp họ có thu nhập ổn định góp phần xóa đói giảm nghèo.
Thùy Phương