Nhà ông Phùng Văn Quý ở thôn Kiến Phong, xã Gia Tường, huyện Nho Quan. Lúc chúng tôi tới, ông đang chuẩn bị hàng cho buổi chợ chiều. Đó là một người đàn ông nhỏ thó, da đen sạm với đôi chân không lành lặn. Nhưng bù lại tác phong của ông khá nhanh nhẹn và thái độ rất vui vẻ.
Ông Quý kể, từ đời ông nội, đời cha của ông đều làm bánh đa, bánh đúc, bánh cuốn… Nhưng đến đời ông, ông chỉ duy trì nghề làm bánh đa vừng. Gia đình ông có nhiều anh, chị em, song chỉ có ông là theo nghề truyền thống của gia đình. "Khi sinh ra, tôi là đứa trẻ bình thường. Năm tôi tròn 3 tuổi, sau một tai nạn tôi đã trở thành người tàn tật. Có lẽ, biến cố trong đời này đã gắn tôi với nghề làm bánh đa. Từ khi còn nhỏ, tôi đã giúp bố mẹ làm bánh. Lớn lên, lập gia đình, tôi quyết định chọn nghề làm bánh đa để sinh nhai"- ông nói thế.
Thời đó, chưa có xe đạp, đôi chân tật nguyền của ông đã phải đi biết bao ngõ nhỏ để bán hàng. Từ Hòa Bình, đến Rịa, Trạm… chỗ nào cũng len lỏi bước chân ông. Ông bảo, ngày xưa chưa có nhiều loại bánh như bây giờ nên bánh đa luôn là lựa chọn số một của các bà, các mẹ đi chợ. Tuy nhiên, hộ làm bánh đa cũng nhiều, vì vậy để sống được bằng nghề thì đòi hỏi người thợ phải làm ra được những chiếc bánh ngon, giòn tan, bùi ngậy và thơm phức.
Một lần, ông Quý nghe nói bánh đa làng Kế ở tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang xưa) rất ngon, ông quyết định đến đó để học hỏi thêm kinh nghiệm. "Đến nơi, tôi thấy bánh đa làng Kế được bày bán khắp nơi. Tôi mua và ăn thử, quả thực bánh ở đây ngon và đẹp mắt hơn hẳn bánh đa quê mình"- ông nói. Ông hỏi địa chỉ và tìm về tận nhà cụ Nguyễn Thái Luận, một hộ làm bánh ngon có tiếng ở làng Kế thời đó để học nghề. Với đôi chân không lành lặn, ông Quý phải mất nhiều thời gian để vượt qua vài cây số tìm tới nhà cụ Luận. Thấy ông Quý là người tàn tật, người nhà cụ Luận tưởng đó là người đi… ăn xin. Nhưng khi nghe ông giải thích và bày tỏ nguyện vọng muốn được học nghề, cụ Luận ngạc nhiên và xúc động lắm. Cụ đã nhận truyền nghề cho người học trò đặc biệt này.
Sau một thời gian miệt mài học nghề, ông Quý trở về quê mang theo bí quyết để có bánh đa vừng ngon. Ông mày mò, sáng tạo kết hợp với phương thức cổ truyền, áp dụng những bí quyết đã học hỏi, ông Quý đã làm ra những chiếc bánh đa vừng ngon có tiếng. Bánh đa của ông có mặt khắp nơi, từ phiên chợ quê đến những bàn nhậu nơi phố thị. Chẳng giấu nghề, ông sẵn sàng chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm với những người trong nghề muốn học hỏi. Ông bảo, để có được chiếc bánh đa ngon, đòi hỏi phải có sự công phu và khéo léo. Nguyên liệu làm bánh đa là gạo ngon, nhưng không nên dẻo quá. Gạo được ngâm nước căng rồi xay nhuyễn, tạo thành bột nước mịn, trắng muốt. Bột gạo được trộn với chút bột mỳ theo tỷ lệ lý tưởng, như vậy bánh mới phồng và ngon.
Theo kinh nghiệm của ông Quý, để có được chiếc bánh đa vừng ngon hảo hạng thì khâu quan trọng, nhất là tráng bánh. Là loại bánh để nướng nên khi tráng phải dày. Khi bánh vẫn còn ướt thì rắc lớp vừng lên. Vừng gia đình ông lấy ở tận Nghệ An, khi lấy về phải sàng sảy thật kỹ, chắt lấy những hạt mẩy rồi phơi thật khô thì khi nướng bánh, vừng mới thơm và ngậy. Việc rắc vừng cũng đòi hỏi sự khéo tay của người thợ, vừng phải được trải đều trên mặt bánh và tập trung ở phần tâm để khi nướng bánh thì vừng vừa chín tới, vàng ruộm.
Trăm hay không bằng tay quen, hàng trăm chiếc bánh tráng ông Quý cho ra lò chẳng cần phải có khuôn cũng vẫn đều tăm tắp cả về kích thước lẫn độ dày. Sau khi chín, chúng được lấy ra khỏi nồi hơi một cách khéo léo, bởi vậy mà dù rất mềm song bánh cũng không hề bị rách hay méo mó. Phơi bánh cũng đòi hỏi phải có kỹ thuật. Thời tiết nắng hoặc gió may là lý tưởng nhất. Khi phơi bánh se mặt nhưng vẫn còn dẻo, thì người làm nghề phải kịp thời gỡ bánh cho khỏi dính vào phên tránh bị vỡ, thủng rồi lật bánh sang mặt bên kia và phơi tiếp cho đến khi khô. Khi bánh khô, chiếc bánh nhìn trong suốt, nếu bánh còn đục thì nghĩa là vẫn còn sống.
Trước khi đến với người tiêu dùng, bánh được nướng quạt trên chậu than hoa đỏ lửa. Khâu nướng không chỉ làm chín bánh mà còn giúp định hình dáng bánh. Người nướng phải quạt đều tay, liên tục, lật qua, lật lại cho đến khi bánh chuyển sang màu vàng rộm, mùi thơm lan tỏa. Thi thoảng người thợ phải uốn những chiếc bánh tròn đều.
Giờ đây, 4 người con của ông đều đã trưởng thành và tạo lập cuộc sống riêng. Sức khỏe giảm sút, ông bà Quý không làm nhiều bánh như xưa. Thông cảm với hoàn cảnh của ông, người dân trong thôn đều nhất trí bình xét gia đình ông vào diện hộ nghèo, nhưng ông Quý đã từ chối và xin nhường lại cơ hội thoát nghèo ấy cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn. Và, như một nếp quen, mặc cho sự đỏng đảnh của thời tiết, hàng ngày người đàn ông gần 70 tuổi ấy vẫn đạp xe hàng chục cây số để mang thứ quà quê dân dã đến với khách hàng.
Với ông, làm và bán bánh đa vừng đã không còn là vấn đề cơm, áo, mà đó còn là ý thức gìn giữ một món ẩm thực truyền thống, là cách tỏ lòng tri ân với cái nghề đã giúp gia đình ông không phải đói lòng.
Bài, ảnh: Đào Hằng