Được biết, bố của Út là anh Cao Văn Biền, đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Mẹ của Út là cô Vũ Thị Thơm cho biết: Út sinh năm 1988, năm nay 25 tuổi rồi, nhưng bị chất độc da cam từ khi còn trong bụng mẹ nên không có khả năng đi lại, cơ thể bị dị tật.
Cơ thể dị dạng, không có khả năng đi lại, 25 tuổi nhưng Út nặng chưa đến 20 kg, trông cô như một bé gái 6-7 tuổi. Không một ngày được cắp sách đến trường, cuộc đời của một con người chỉ biết nằm chứ không thể ngồi, đầu cũng không thể cất lên được, tưởng như thế là chấm hết, nhưng với niềm tin, khát vọng sống và ý thức vươn lên mãnh liệt, Út đã nén đau đớn về thể xác để học chữ.
Nhà có nghề đan cói truyền thống, hai chị gái thương em tàn tật, những khi không đến lớp, ở nhà vừa đan cói vừa tranh thủ thay nhau dạy chữ cho em và thật bất ngờ khi thấy em say mê học thuộc bài và nhận các mặt chữ cái rất nhanh.
Biết chữ rồi, nhưng cũng chỉ là để Út nằm đánh vần đọc vài cuốn sách, tờ báo hoặc là xem ti vi… cho đỡ buồn. Cuộc sống của Út thực sự thay đổi và có ý nghĩa hơn khi năm 2010, người chị gái thấy những tiện lợi của mạng Internet sẽ phần nào giúp em vơi bớt nỗi buồn, sự cô đơn nên đã mua tặng cho Út chiếc máy tính.
Có máy tính, được nối mạng, Út lần mò, tìm hiểu để vào Internet và kết bạn với những hoàn cảnh giống mình để được chia sẻ, cảm thông, có thêm nghị lực sống. Cũng qua những lần tâm sự về hoàn cảnh, điều kiện và tâm nguyện của mình, Út được giới thiệu tìm hiểu về một nghề khá phù hợp với những người tàn tật như em - đó là nghề làm tranh cuốn giấy.
Biết được nghề này chỉ có thể học được ở một cơ sở ở Hà Nội và cũng do một cô gái tàn tật làm chủ, Út thuyết phục mẹ cho đi học. Thương con thiệt thòi, cuộc sống lủi thủi, bế tắc trong 4 bức tường, mặc dù gia đình còn nhiều khó khăn nhưng mẹ Út quyết định cầm 5 triệu đồng khăn gói theo con gần 2 tháng trời để phục vụ con ăn uống, sinh hoạt và học nghề tại Hà Nội.
Tiếp xúc với mẹ con Út, điều dễ nhận thấy và đáng quý là tinh thần lạc quan, yêu đời của cả hai mẹ con. Trong các câu chuyện kể về những ngày gian khó khi cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, những nỗi buồn, những khó khăn một thời khi nhắc lại không làm mẹ con Út ngậm ngùi, buồn khổ, mà trái lại, hai mẹ con luôn vui vẻ, cười đùa, giành cho nhau những lời nói, tình cảm trìu mến.
Cô Thơm tâm sự rằng, cả hai vợ chồng thấy mình còn hạnh phúc và may mắn khi con tuy bị ảnh hưởng chất độc da cam, dị dạng như thế nhưng não không ảnh hưởng nhiều, biết nói cười, biết thể hiện tình cảm với bố mẹ, gia đình, người thân…. Cô Thơm còn vui vẻ nói rằng, may có Út ở nhà với bố mẹ nên cuộc sống đỡ buồn, chứ không hai chị đi lấy chồng cả, bố mẹ già sống với nhau buồn lắm…
Giờ thì mẹ Út có thể phấn khởi và yên tâm với cô con gái tật nguyền. Từ khi học được nghề từ tháng 9/2011, Út rất say mê làm tranh cuốn giấy, mỗi tháng làm được hơn hai chục bức tranh các loại, có cơ sở ở Hà Nội thu mua, trừ nguyên vật liệu cũng cho thu nhập gần 500 nghìn đồng/tháng.
Điều đáng quý là Út không chỉ làm theo các mẫu của cơ sở đặt hàng gửi về mà em còn xem qua ti vi, qua Internet, qua những lần hiếm hoi được mẹ hoặc các bạn cho đi tham quan thực tế tại Nhà thờ đá Phát Diệm… , rồi tự làm theo các mẫu tranh mà mình được xem, làm ra rất nhiều bức tranh rất đẹp và sống động, như bức tranh Đền thờ Vua Đinh, Vua Lê; Nhà thờ đá Phát Diệm, các con vật mà Út yêu thích… được nhiều khách hàng yêu thích, đặt làm, đặc biệt là những khách nước ngoài.
Cuộc sống bây giờ vui hơn và có ý nghĩa hơn với Út, niềm đam mê với Út là ban ngày em làm tranh cuốn giấy với nhiều ý tưởng chất chứa trong đầu, buổi tối lên mạng "chát chít" với các bạn bè gần, xa và khoe sản phẩm là những bức tranh mình vừa làm được, lắng nghe ý kiến nhận xét, đóng góp của các bạn để không ngừng sáng tạo, làm ra những tác phẩm đẹp hơn, ý nghĩa hơn.
Mong ước của Út là có một cửa hàng bán tranh cuốn giấy để mình làm những gì mình thích và giúp đỡ các bạn tật nguyền có hoàn cảnh giống mình được học nghề, tự trang trải cuộc sống và hòa nhập tích cực với cộng đồng…
Bài, ảnh: Mai Phương