Vâng! sự học, đọc và viết là niềm đam mê của tôi. Bởi một lẽ thời kỳ kháng chiến quê tôi ở vùng địch chiếm đóng, phải chạy tản cư. Mười tuổi tôi vẫn chưa biết mặt chữ. Khi được cắp sách tới trường tôi đã bỏ qua lớp vỡ lòng vào học lớp 1 ngay. Năm lớp 2 tôi chỉ học học kỳ 1 rồi thầy giáo cho lên học lớp 3. Vậy là một năm tôi học 2 lớp, được lên lớp 4 vẫn học rất giỏi. Nhưng tôi nghỉ luôn 2 năm để đi dạy bình dân học vụ, xóa mù chữ cho các bà, các mẹ, các chị ở quê và các xã lân cận.
Năm 1960, tôi thi đỗ lớp 5- Trường cấp II Chùa Bát, thị xã Ninh Bình. Bất ngờ tôi được thầy Bùi Định Trọng bằng tuổi tôi đã học xong sư phạm về trường dạy tôi cùng các bạn cũng xấp xỉ tuổi thầy. Chẳng có gì bận tâm, mắc cỡ, chúng tôi cứ vui vẻ, say mê học, vui như tết và sự nghịch thì ... "thứ ba học trò". Sau này ra công tác gặp nhau, rồi cùng làm báo. Khi gặp nhau tôi vẫn: Em chào thầy Trọng, mà không thể gọi thầy bằng anh. Ôi! cái nghĩa, cái tình thầy trò thật da diết, quý yêu, trò kính tôn và biết ơn thầy, cô giáo vô hạn.
Do bỏ lỡ thời gian đầu đời không được tiếp xúc với con chữ, nên khi ngồi dưới mái trường tôi tranh thủ học thầy, học bạn. Ở nhà thì học trong bếp, ra đồng học trên lưng trâu, săn tìm các sách truyện để đọc và đã đam mê chọn nghề lâm nghiệp để tu nghiệp.
Ra trường tôi công tác ở Ty Lâm nghiệp Phú Thọ. Năm 1966 được dự lớp nhạc lý, nghiệp vụ hoạt động văn hóa quần chúng do Ty Văn hóa Phú Thọ mở. Trực tiếp chỉ đạo lớp là nhà thơ bút tre Đặng Văn Đăng. Tôi đã rất có ấn tượng, quý mến nhà thơ bút tre. Cùng năm đó tôi viết hoạt cảnh chèo "Trống hội, rừng xanh" được giải nhất Hội diễn ngành Lâm nghiệp Phú Thọ. Đây là tác phẩm đầu tay và duy nhất tôi dính với những làn điệu chèo truyền thống ngọt ngào, đậm đà bản sắc dân tộc để rồi cuối năm 1968 tôi được Tổng cục Lâm nghiệp điều động về Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp (nay là Viện Khoa học Lâm nghiệp) công tác.
Tại đây tôi được gặp, giao lưu, làm việc bên cạnh các nhà khoa học lâm nghiệp có tiếng như tiến sĩ Thái Văn Trừng. Các kỹ sư giỏi từ thời Pháp như các bác Lâm Công Định, Trần Ngũ Phương, Đồng Sỹ Hiền, Nguyễn Văn Cứ, Nguyễn Văn Giảng, Nguyễn Văn Chương, tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, nhà phân loại thực vật cây rừng Phạm Gia Hội... Qua các vị, tôi học hỏi được cách đặt vấn đề, cách viết xây dựng đề cương một đề tài, một chuyên đề nghiên cứu... Rồi chính thức từ năm 1977 tôi đã có một số bài viết về rừng Việt Nam đăng trên Báo Nhân dân. Từ đây tôi là cộng tác viên của Báo Nhân dân, Báo Hà Nam Ninh, Tạp chí Lâm nghiệp.
Qua học hỏi, tích lũy vốn sống, tôi yêu nghề báo lúc nào không biết để rồi có 8/40 năm công tác cuối chặng đường tôi chuyển hẳn sang làm báo chuyên nghiệp tại Báo Ninh Bình. Thời gian làm báo tuy ngắn, song từ đây tôi định hình, tiếp nhận được quy trình làm báo, viết báo, quảng bá và phát hành báo chí. Đồng thời tôi có điều kiện giao lưu với các văn nghệ sĩ trong tỉnh và nhiều tỉnh ngoài. Tôi chăm đi và viết báo, sáng tác văn học được đăng Báo, tạp chí Trung ương và địa phương.
Năm 2003 tôi được kết nạp vào Hội VHNT Ninh Bình, đầu quân cho Bộ môn Văn học. Cuối năm 2005 tôi nghỉ hưu. Từ đây có cơ hội cho tôi chú trọng sáng tác văn học. Tiêu biểu là lĩnh vực thơ. Năm 2006 in tập thơ "Tam Cốc xanh" ; Năm 2007 in trường ca "Lời ru" viết về người anh hùng Lương Văn Tụy và Chi bộ Đảng Lũ Phong, xã Quỳnh Lưu - Nho Quan (NXB Thanh niên). Năm 2013 in tập thơ "Mùa gió chướng". Năm 2021 in tập thơ "Cải xanh trên đảo Trường Sa" (NXB Văn học). Vừa qua, tôi đã gửi tặng 400 cuốn này cho Bộ Tư lệnh Hải Quân Việt Nam cùng cán bộ quân dân quần đảo Trường Sa.
Hơn mười năm nghỉ hưu, tôi vẫn viết đều, các thể loại thơ, bút ký, tùy bút hoặc truyện ngắn in trên Báo Ninh Bình, Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, in báo và tạp chí các tỉnh, thành trong nước. Làm được điều này là hết sức quan trọng, bởi nó rèn cho tôi có sức khỏe tốt, mắt tinh, đầu óc minh mẫn… Nhờ vậy những tích lũy về kiến thức, kinh nghiệm của quá trình công tác trước kia được phát huy, không bị phai nhòa, quên lãng. Tôi có một cuộc sống vui vẻ, thanh thản tâm hồn, khỏe mạnh tinh thần và thể chất, hàng ngày vẫn đọc sách, báo, năng đi thăm thú, giao lưu với bạn bè, có cảm xúc là viết báo, làm thơ. Tôi không cảm thấy già và vẫn đam mê nghề viết.
Hải Âu