Nghệ nhân Vũ Văn Chung là người vinh dự được mời đi dự hội nghị hàng thủ công mỹ nghệ ASEAN dành cho các nghệ nhân tiêu biểu do Bộ Công thương tổ chức năm 2015 vừa qua. ấn tượng đầu tiên của tôi khi bước chân vào nhà ông là hết sức ngỡ ngàng trước những bức hoành phi, câu đối mà ông đang chạm khắc. Chỉ cần nhìn thoáng qua tôi đã có thể cảm nhận được sự tỉ mẩn cũng như niềm đam mê mà lão nghệ nhân gần 70 tuổi đang truyền hồn vào từng thớ gỗ. Sau một vài câu chào hỏi xã giao ông vui vẻ mời tôi vào căn nhà nhỏ mà ông đang dùng để thờ cúng tổ tiên nói chuyện, thưởng trà. Lại thêm một bất ngờ nữa với tôi bởi phía bên trong căn nhà chỉ có một gian đó là cả một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo do chính tay ông chế tạo nên.
Đó là một bộ bàn ghế gỗ cổ được thiết kế theo phong cách dân gian, một bộ ngai thờ hoành tráng với đầy đủ những bức hoành phi, câu đối và những con chim hạc được sơn son thếp vàng uy nghiêm, tráng lệ và phía bên trên là những bức thượng lương, xà gỗ được đục đẽo rồng phượng bắt mắt. Không gian trên khiến một người trẻ như tôi có cảm giác lạc vào một thế giới khác mà có lẽ mình chỉ gặp trong phim ảnh những năm 80 của thể kỷ trước.
Thấy tôi có vẻ tò mò về ngôi nhà gỗ này, ông Chung nói: "Là một người thợ gỗ, sống với nghề gỗ nên tôi muốn có một cái gì đó riêng biệt vì thế đã thiết kế ngôi nhà này vừa là để tiếp khách, vừa là để thờ cúng tổ tiên." Ông chia sẻ thêm, khi 14 tuổi và mới chập chững bước chân vào nghề mộc, ông đã theo cha mình dựng rất nhiều ngôi nhà gỗ và cũng từ đó tình yêu và niềm đam mê với nghề ngày một lớn dần lên, để rồi sau hơn 50 năm trong nghề với bao thăng trầm giờ đây ông đã tạo dựng được cho mình một thương hiệu riêng, những mặt hàng của ông cũng đa dạng hơn và được sử dụng cũng như quảng bá ở nhiều tỉnh, thành lớn trong cả nước như Hà Nội, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh….
Tiếp tục câu chuyện về nghề, ông Chung cho biết làng nghề mộc Quỳnh Phong có xuất xứ từ phường Ninh Phong, ban đầu chỉ có một vài hộ gia đình làm nhỏ lẻ và gia đình ông chính là một trong số đó. Vào năm 1966, ông theo gia đình lên đây khai hoang khi đó dù mới 18 tuổi nhưng ông đã thành thạo hết các kỹ năng của nghề mộc do cha mình truyền lại, tình yêu với nghề mộc khiến ông quyết tâm mở một xưởng đóng đồ gỗ gia dụng với những sản phẩm như bàn, ghế, giường tủ….
Tuy nhiên khi đó đời sống của người dân nơi đây còn nghèo nên việc tiêu thụ những sản phẩm trên cũng hết sức khó khăn. Có những lúc tưởng chừng ông phải bỏ nghề để tìm kiếm một công việc khác. Nhưng với ý chí vươn lên, ông dần vượt qua những khó khăn ban đầu để phát triển nghề, mở rộng sản phẩm cũng như thị trường tiêu thụ.
Từ những năm 1992 đến nay, ông Chung chủ yếu làm đồ thủ công mỹ nghệ, đồ thờ cúng và đã gặt hái được nhiều thành công. Ông cũng là một trong số ít những nghệ nhân trong tỉnh có thể sơn son, thếp vàng một cách tinh xảo nhất, vì thế những đơn đặt hàng của ông ngày một nhiều.
Giờ đây khi đã ở cái tuổi gần thất thập, đôi mắt cũng mờ dần theo thời gian nhưng đôi tay ông vẫn rất ngoan ngoãn nghe lời để ông điều khiển một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển. Dường như nó đã thành một thói quen nên sau bao năm đôi bàn tay tài hoa đó ngày càng sắc sảo hơn, kinh nghiệm cũng như niềm say mê sáng tạo khiến ông vẫn miệt mài, tay đục, tay đẽo để làm nên những tác phẩm nghệ thuật từ gỗ có giá trị cao.
Ông cho biết: "Để có được một sản phẩm chất lượng, đẹp, tinh xảo từ gỗ đòi hỏi người thợ phải bền bỉ, khéo léo tính toán căn cơ chuẩn mực trong từng chi tiết. Đồng thời cũng tốn rất nhiều thời gian, đặc biệt là đối với việc chế tác đồ thờ cúng như ngai thờ, hoành phi, câu đối…"
Đạt rất nhiều thành công với nghề mộc, nhưng có lẽ điều khiến ông vui và hạnh phúc nhất chính là việc các con, các cháu của mình đều theo nghề gia truyền và cũng đạt được nhiều thành công như chính ông vậy. Ông Chung có 3 người con trai và cả 3 đều theo nghề mộc gia truyền của gia đình đều có xưởng riêng với cơ ngơi khang trang và cuộc sống khá giả.
Ông chia sẻ : "Khi tôi bước chân vào nghề mộc gặp rất nhiều khó khăn nhưng tôi luôn tâm niệm, đã là nghề của ông cha mình truyền lại thì nhất định phải sống và gắn bó với nghề.
Điều khiến tôi hạnh phúc nhất hiện giờ không phải là những tấm bằng khen hay giấy khen, mà là những đứa con, đứa cháu của mình đã và đang giữ được nghề và phát triển nghề." Nghe những lời nói chân tình của ông tôi biết rằng đối với những người coi nghề mộc như tình yêu và lẽ sống như ông thì việc được gắn bó với nghề, giữ lửa làng nghề chính là một niềm vui trong cuộc sống.
Giờ đây mỗi khi ngoảnh nhìn lại tuổi đời, tuổi nghề của mình có lẽ ông đã có thể mỉm cười hạnh phúc vì những gì ông đã và đang có. Đó không chỉ là một cuộc sống no đủ, một gia đình đầm ấm mà còn là cả một truyền thống quý báu mà bao gia đình tại làng nghề mộc Quỳnh Phong vẫn đang giữ và phát triển một cách lan tỏa.
Bài, ảnh: Đàm Văn Nghị