Nghiệp từ gia đình
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông nghiệp, từ năm 12 tuổi ông Thạch đã được bố mẹ dạy làm hàng thủ công. Ngoài những lúc đi học, ông còn phụ giúp gia đình việc đồng ruộng, về đến nhà là ông bắt tay ngay vào việc đan hàng cói. Từ việc tạo thêm thu nhập cho gia đình, ông dần nhận ra niềm đam mê đối với nghề cói trong con người mình.
Ngày đó, mỗi lần hoàn thành một sản phẩm, ông cảm thấy rất hạnh phúc, bởi đó chính là kết quả từ mồ hôi và tâm huyết của mình. Nhưng có những lúc, ông cũng cảm thấy thất vọng và hụt hẫng khi sản phẩm không vừa ý. Lớn lên, ông Thạch quyết tâm theo đuổi nghề làm hàng thủ công. Hồi tưởng lại thời trai trẻ, ông Thạch bồi hồi: Ngày đó, sức trai trẻ nên tôi rất ham làm. Những sản phẩm tôi làm ra được nhiều người khen ngợi, nhưng không phải vì thế mà tôi ngừng rèn luyện kỹ thuật.
Làm nghề này, không chỉ có "hoa tay" là đủ, mà còn cần sự tỉ mỉ và say mê. Không chỉ nung nấu phát triển các sản phẩm từ nguyên liệu cói, tôi còn trăn trở nghiên cứu những chất liệu khác như: bẹ ngô, bèo, mây, tre... Đến bây giờ, tôi vẫn mong ước tìm ra được một chất kết dính để biến bẹ ngô thành những chiếc túi thân thiện với môi trường, thay thế cho túi ni-lông.
Với sự khéo léo tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng cao ông đã được các doanh nghiệp như Bích Hồng, Quang Minh tìm đến và nhờ ông sáng tác mẫu hàng mới. Hơn 40 năm trong nghề, ông đã sáng tác rất nhiều mẫu sản phẩm như: Giỏ hoa (hàng cói), nôi (giỏ thu hoạch nông sản), tủ bèo tây các loại, tủ ngăn kéo, giỏ mây, giỏ tre, mũ bẹ ngô...
Các mẫu sản phẩm đó đều được các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Kim Sơn và tỉnh Thanh Hóa mua lại để sản xuất đại trà phục vụ cho xuất khẩu. Năm 2014, sản phẩm mũ bẹ ngô của ông đã được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Ninh Bình. Cùng năm, ông được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận là nghệ nhân cói, bởi những đóng góp không nhỏ cho nghề truyền thống của tỉnh.
Cái tâm với nghề
Trên con đường trở thành nghệ nhân cói, ông Thạch gặp không ít thăng trầm. Đã có lúc ông muốn bỏ nghề do những khó khăn, vất vả. Có nhiều đêm ông thức trắng để tìm hiểu những kỹ thuật mới, sáng tác những mẫu mã sản phẩm mới. Có lần ông đổ bệnh sau 3 đêm liền thức trắng để tìm cách dóc quai làn vuông vắn do yêu cầu từ một doanh nghiệp. Thu nhập từ làm hàng cói không cao, thế nên gia đình ông phải cấy thêm ruộng mới đủ trang trải cuộc sống, dù khó khăn, vất vả nhưng ông quyết không bỏ nghề. Đến khi tuổi đã "chín", ông chuyển sang dạy nghề cho người lao động. Ông từng đi rất nhiều nơi để dạy nghề cói, chủ yếu là các huyện trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như: Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa... cho đến những tỉnh miền núi như Bắc Giang.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm đang có nhiều biến động, sự cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp khiến nghề thủ công nói chung và làm hàng cói xuất khẩu nói riêng đang gặp nhiều khó khăn. Đào tạo lao động không chỉ góp phần nâng cao tay nghề, chất lượng các sản phẩm được tạo ra mà còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phục hưng nghề cói. Ngoài nhận các hợp đồng dạy nghề cho các doanh nghiệp, ông Thạch cũng từng đào tạo miễn phí cho những lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Hiện nay, khi các ngành công nghiệp nặng, dịch vụ đang dần chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, thì các ngành tiểu thủ công mỹ nghệ bị mai một đi rất nhiều. Nhưng chúng ta vẫn tin, nghề chế biến cói nói riêng, nghề thủ công mỹ nghệ nói chung vẫn có chỗ đứng trên thị trường, bỏi nhu cầu của con người đối với những sản phẩm này vẫn còn và đặc biệt vẫn có những con người cần cù, say mê sáng tạo, hết lòng với nghề mà cha ông để lại như ông Nguyễn Ngọc Thạch.
Bài, ảnh: Thái Học - Minh Đường