Gần Tết Nguyên đán mà gia đình chị Lê Thị Nga, hội viên thuộc chi hội phụ nữ xóm Văn Hà 2, xã Gia Phương (Gia Viễn) vẫn đang tất bật với việc chẻ tăm hương. Nhìn cách chị Nga và chồng chị (anh Phán) chẻ thật nhanh, gọn những thanh nứa thành những que tăm bé xíu, ít ai nghĩ rằng, anh chị mới làm nghề này chưa đầy 1 năm. Ở Gia Phương, những năm qua ngành nghề phụ không có, ngoài sản xuất nông nghiệp, thời gian nông nhàn nhiều nên hầu hết nam giới rủ nhau đi kiếm việc ở các địa phương lân cận trong và ngoài tỉnh. Đối với phụ nữ, họ không thể đi làm xa do còn phải thực hiện thiên chức của người mẹ đối với việc chăm sóc, dạy bảo con cái nên tìm được nghề phù hợp với điều kiện rất khó. Hội phụ nữ xã Gia Phương trong những năm qua đã đưa một số nghề như: thêu ren, mây tre đan về dạy cho hội viên. Tuy nhiên, sau học nghề, số hội viên làm được và duy trì nghề rất ít. Nghề thì "kén" người làm như thêu ren, luôn luôn phải sạch sẽ chân tay trong khi việc nhà nông lúc nọ, lúc kia cũng phải chạy đi, chạy lại cho con gà, con lợn ăn hay nấu cơm, nước. Nghề mây tre đan kỹ thuật không khó, các thành viên trong gia đình đều có thể làm được thì lại khó có "đầu ra"... Tuy chăm chỉ, lao động siêng năng nhưng do nhà đông con, lại đều đang trong độ tuổi ăn học nên gia đình chị Nga vẫn thuộc vào diện hộ nghèo của xã. Năm vừa qua, khi Hội LHPN tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Ninh Khánh là doanh nghiệp đưa nghề chẻ tăm hương về địa phương để đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ nông thôn, nhất là các xã nghèo, Hội phụ nữ xã Gia Phương đã tổ chức được 2 lớp dạy nghề cho hội viên và chị Nga đã tham gia một khóa học kéo dài gần 10 ngày để nắm bắt được những kỹ thuật cơ bản của nghề chẻ tăm hương. Sau học nghề, chị nhận 1 tạ nguyên liệu về chẻ. Vì mới làm nên còn lóng ngóng nên phải sau 15 ngày mới xong mà sản phẩm cũng chỉ được công nhận là tạm được. Vì là nghề mọi người từ già đến trẻ, phụ nữ hay nam giới đều làm được nên đợt thứ 2 chị nhận 4,8 tạ nguyên liệu. Lần này thì gia đình chị chẻ nhanh hơn, kỹ thuật hơn và anh Phán, chồng chị còn có khả năng chẻ nhanh, đẹp hơn cả vợ đã được đi học. Thấy bố mẹ làm, các con chị cũng tranh thủ lúc rỗi rãi phụ giúp. Rồi bà bác là hàng xóm cạnh nhà thấy nghề hay nên cho cả hai đứa con đang học THCS và THPT sang học và làm nghề. Trung bình, mỗi ngày gia đình chị có thêm thu nhập từ 15 - 20 nghìn đồng từ nghề chẻ tăm hương. Chị Nga tâm sự: làm nghề này, người làm nghề cứ yên tâm làm mà không lo vấn đề tiêu thụ sản phẩm vì Hội phụ nữ đã ký hợp đồng với doanh nghiệp nên nguyên liệu để làm và việc bao tiêu sản phẩm đều có doanh nghiệp lo. Còn anh Phán, chồng chị Nga thì phấn khởi cho rằng: đàn ông trong xã có sức khỏe thường đi làm ăn xa, còn như anh sức yếu, ở nhà đỡ đần vợ con làm việc nhà, chăn nuôi. Nay có thêm nghề chẻ tăm hương rất phù hợp với anh mà lại giúp được gia đình có thêm "đồng ra, đồng vào".
Không chỉ riêng Hội phụ nữ xã Gia Phương bước đầu đưa nghề chẻ tăm hương về địa phương thành công, mà nhiều cơ sở hội trong huyện Gia Viễn từ đầu năm đến nay đã mở được các lớp dạy nghề mới như: đan bèo bồng, chẻ tăm hương, thêu ren... cho hội viên phụ nữ, nhất là hội viên nghèo. Năm qua, Hội phụ nữ huyện đã quan tâm đẩy mạnh công tác dạy nghề tập trung vào 5 xã khó khăn như: Gia Minh, Gia Trung, Gia Phương, Gia Vượng... Bên cạnh việc tổ chức dạy các nghề mới và tạo mọi điều kiện thuận lợi để hội viên phụ nữ làm được nghề, Hội còn quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho những hội viên đã làm nghề lâu như nghề thêu ren để giúp hội viên có thêm điều kiện nâng cao kiến thức, kỹ thuật làm nghề, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thị trường về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Năm qua, toàn huyện đã tổ chức được 12 lớp dạy nghề cho trên 600 hội viên. Sau dạy nghề, hầu hết hội viên đều làm nghề và duy trì được nghề để có thêm thu nhập, giải quyết việc làm vào lúc nông nhàn. Hiện toàn huyện có trên 2.000 người tham gia làm các nghề phụ. Từ nghề phụ, nhiều hội viên đã từng bước vươn lên, ổn định cuộc sống, một số hội viên đã thoát nghèo. Đối với Hội LHPN tỉnh, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội phụ nữ đã chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo. Trong năm qua, 112/147 Hội phụ nữ xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp, tổ hợp trên địa bàn mở được 215 lớp dạy nghề về đan bèo bồng, lúa non, mây tre đan, đan cói, đan hộp, chẻ tăm hương, thêu ren, sơn mài... cho 10.697 hội viên, đạt 151,8% kế hoạch năm. Đặc biệt, trong năm, Hội phụ nữ tỉnh đã quan tâm làm tốt việc dạy nghề cho hội viên phụ nữ nghèo thuộc các xã bị ảnh hưởng bởi đợt lũ lụt vừa qua ở 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn. Thông qua các nghề chẻ tăm hương, đan bèo bồng, đan bẹ chuối khô, hơn 300 phụ nữ tại 6 xã của 2 huyện đã được học những kiến thức, kỹ thuật cơ bản của nghề và bước đầu đã có 240 người làm nghề có thu nhập ổn định. Quan trọng hơn, thông qua nghề phụ, nhiều hộ phụ nữ nghèo ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi lũ lụt không thể canh tác, sản xuất đã tìm được "nguồn" để duy trì cuộc sống.
Phan Hiếu