Không phải là người giỏi văn, cũng không được học chuyên ngành báo chí, nhưng tôi lại gắn bó với nghề báo gần 15 năm nay, điều này chỉ có thể giải thích bằng một chữ "duyên"
Nghề báo - cơ duyên đầy may mắn
Bắt đầu từ những trang giấy trắng
Trong cuộc họp giao ban đầu tháng 10/2021, tôi được chị Trang Nhung - Thư ký tòa soạn giao nhiệm vụ viết bài cho đặc san kỷ niệm năm Báo Ninh Bình ra số đầu!". Nhận nhiệm vụ, tôi bỗng thấy lòng thật bâng khuâng, những cảm xúc từ đâu cứ ùa về. Gần 15 năm trước, từ một sinh viên non nớt vừa mới ra trường, tôi được ngôi nhà Báo Ninh Bình đón nhận và dẫn dắt những bước đi đầu tiên trong nghề…
Tôi học nông nghiệp, một ngành chẳng dính dáng gì đến nghề báo, nhưng lại có một ông bố yêu thơ và một ông anh cực thích viết báo. Anh trai tôi nói rằng làm phóng viên sẽ được đi rất nhiều nơi, được trải nghiệm rất nhiều thứ. Có lẽ chính vì những lời "quảng cáo" này mà tôi đăng ký thi tuyển vào Báo Ninh Bình, bởi tôi là một người đặc biệt ưa xê dịch và thích khám phá.
Bước vào nghề, tôi bắt đầu từ những trang giấy trắng, trong tâm trí tôi không định hình nổi tin phải viết thế nào và tổ chức một bài báo thì phải làm sao. Một vấn đề lớn nữa là tôi không có chút kiến thức nào về tổ chức bộ máy Đảng, chính quyền; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tôi cũng chưa biết ai với ai bởi sinh viên mới ra trường tôi đâu có quan tâm gì.
Thế là công cuộc bổ túc kiến thức được tôi cấp bách thực hiện. Suốt ba tháng ròng, ngày nào tôi cũng đọc. Đọc từ những tờ báo trung ương cho đến báo địa phương, đọc các thể loại tin, bài khác nhau để từ đó rút ra cách thức viết.
Ngoài ra tôi xem thêm truyền hình của tỉnh, "theo đuôi" các anh chị trong cơ quan đi phỏng vấn, đến các cuộc họp để làm quen, tìm hiểu cách nắm bắt, chắt lọc thông tin, phân tích, xử lý vấn đề… Mỗi ngày tôi học một ít, học từ cái nhỏ đến cái lớn.
Sau khi đã "rành" hơn một chút, anh Đinh Chúc lúc đó là Trưởng phòng và chị Thanh Thủy là Phó phòng Kinh tế bắt đầu tập tành cho tôi viết những tin sơ đẳng nhất. Tôi vẫn còn nhớ, cái tin đầu tiên của tôi được đăng là về hội nghị tổng kết của ngành Thuế.
Để có được một tin chưa đầy 400 chữ, tôi phải vật vã, nắn nót từng câu chữ, thế mà vẫn dở và phải sửa khá nhiều. Rút kinh nghiệm qua từng bài viết, từ thực tế cuộc sống, từ chính môi trường tác nghiệp mà mình trải qua, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí ngắn hạn, có thêm kiến thức, tôi tự tin hơn vào bản thân, vào cái nghiệp mình chọn, trưởng thành dần và có được những tác phẩm báo chí mang dấu ấn riêng của mình.
Và lợi thế của tay ngang
Vì học nông nghiệp nên tôi được phân công về Phòng Kinh tế phụ trách mảng nông nghiệp và đây chính là nơi để tôi có thể phát huy sở trường của mình. Các loại cây, con, đặc tính, mùa vụ, sâu bệnh hại… các anh, chị phóng viên khác sao có thể "rành" bằng tôi.
Tôi nhớ hồi năm 2009-2010, bệnh lùn sọc đen lần đầu tiên xuất hiện gây hại nặng trên lúa Mùa ở nhiều tỉnh phía Bắc và Ninh Bình không phải là ngoại lệ. Nhanh chóng tiếp cận vấn đề, có kiến thức chuyên môn nên lúc đó tôi đã có những bài viết khá sâu và chính xác để tuyên truyền đến bà con cách nhận biết, ứng phó với căn bệnh lạ này.
Phóng viên Nguyễn Lựu trong một lần tác nghiệp.
Thậm chí có lúc đi làm, tiếp xúc với người nông dân tôi vừa đóng vai phóng viên vừa đóng vai cán bộ kỹ thuật, trao qua đổi lại, tranh luận như một kỹ sư nông học thực thụ. Dưới con mắt của một kẻ từng học nông nghiệp tôi phát hiện ra nhiều đề tài sâu sắc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: những khó khăn trong sản xuất lúa - thứ cây trồng chiếm diện tích lớn nhất ở các địa phương, nhưng giá trị kinh tế đem lại cho người nông dân thì dường như luôn đứng "hạng cuối"; rồi tình trạng phát triển nóng cây ăn quả có múi; những bất ổn trong các hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản… Tôi nhận thấy mình thực sự trăn trở với nền nông nghiệp tỉnh nhà.
Gần 15 năm gắn bó với nghề báo, gắn bó với nông dân, lên rừng, xuống biển, trải qua những cơn lũ lịch sử, những năm mất mùa, những vụ sản xuất thắng lợi, gặp những nông dân tỷ phú… Càng đi tôi càng biết nhiều, có nhiều tư liệu để viết và yêu thêm nghề. Nếu nói về những gì nghề báo mang lại, tôi nghĩ trân trọng và đáng quý nhất đó là những trải nghiệm.
Nếu không làm nghề báo có lẽ tôi sẽ khó có được trải nghiệm nửa đêm lênh đênh trên biển đi bắt ngao cùng với bà con ngư dân, để rồi sáng ra thưởng thức món ngao hấp nghi ngút khói ngay trên thuyền; hay cảm giác hồi hộp lo lắng theo dõi từng centimet diễn biến mực nước trên sông Hoàng Long trong trận mưa lũ lịch sử năm 2017 và vỡ òa vui sướng khi được tin nước rút, không phải phá đập tràn vì điều đó đồng nghĩa với việc nhà cửa, ruộng màu của bà con sẽ không bị nước nhấn chìm nữa…
Và nếu không phải là phóng viên chắc rằng, tôi sẽ chẳng được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người để thấy cuộc đời thật nhiều điều tốt đẹp. Chắc có lẽ sẽ không có sự thay đổi nào khác với nghề báo nữa. Bởi vì nghề báo đã cho tôi nhiều điều và dường như cái "duyên", cái "nghiệp" nghề báo đã vận vào tôi rồi.