Dự hội nghị có các đồng chí Trần Hữu Bình, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Tỉnh, TVTU, Bí thư Thành ủy Ninh Bình; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở Văn hóa thể thao và Du lịch; Hội văn học nghệ thuật tỉnh.Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe nhà văn Chu Lai, NSND Ứng Duy Thịnh và công ty tổ chức sự kiện Thăng Long trình bày kịch bản văn học tại ngày tổ chức Lễ kỷ niệm.
Về ý tưởng chương trình nghệ thuật sẽ tôn rõ được chất anh hùng ca mang đậm tính sử thi và nhân văn của lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Ninh Bình. Qua đó gợi lên niềm tự hào, lòng yêu quê hương đất nước trong thế hệ trẻ.
Chương trình nghệ thuật dự kiến được chia làm 3 chương bao gồm: khúc tránh ca lịch sử; sông Vân trả hận, núi Thúy rửa hờn; thành phố trẻ bay lên vỗ cánh mặt trời. Trong đó thể hiện những hình ảnh đặc trưng của Ninh Bình như núi Thúy, sông Vân, sự vĩ đãi của những con người lấn biển, chinh phục tự nhiên; đóng góp to lớn của những người con Ninh Bình đã làm nên lịch sử…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến xung quanh tên kịch bản, tên các chương; để nghị tác giả làm rõ nét đặc trưng của thành phố Ninh Bình; bổ sung danh mục các bài hát; chỉnh sửa một số nội dung cho đúng với lịch sử; thể hiện các chỉ số phát triển của thành phố trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Tỉnh, TVTU, Bí thư Thành ủy Ninh Bình đánh giá cao công tác chuẩn bị của nhóm tác giả và công ty tổ chức sự kiện Thăng Long, đồng chí đề nghị nhà văn Chu Lai và ê-kíp thực hiện tiếp tục nghiên cứu ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện kịch bản…
Đóng góp vào kịch bản văn học phục vụ lễ kỷ niệm, đồng chí Trần Hữu Bình, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, kịch bản đã thể hiện được sự tìm tòi, sáng tạo của tác giả. Tuy nhiên, để kịch bản hay, hấp dẫn hơn nữa với người xem, đồng chí đề nghị tác giả nghiên cứu bổ sung một số điểm nhằm nhấn mạnh hơn nữa những hình ảnh đặc trưng của thành phố Ninh Bình, đồng thời bố trí thời lượng cho phù hợp với điều kiện thời gian của buổi lễ.
Bên cạnh đó, tác giả cũng nên cân nhắc sử dụng một số từ ngữ, hình ảnh cho phù hợp hơn với bối cảnh của tác phẩm sử thi, nhất là nên tính toán lại hình ảnh kết thúc sử thi đảm bảo hài hòa và mang tính đại diện cao hơn.
Quốc Khang