Nhớ lại lúc mới vào nghề, tôi hay theo các anh chị đồng nghiệp đi tác nghiệp ở cơ sở, được các anh chị tận tình chỉ bảo từ cách đặt vấn đề, liên hệ công tác đến cách thể hiện tác phẩm đều phải chú ý đến từng chi tiết nhỏ. Mặc dù vậy, có lần do chủ quan, không cẩn thận đã khiến tôi mắc lỗi.
Đó là dịp tôi được phân công thực hiện bài phỏng vấn nhân kỷ niệm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Do bất cẩn không đọc lại bài sau khi hoàn thành, tôi đã "đổi" họ của một đồng chí cán bộ Đồn 104 (nay là Đồn Biên phòng Kim Sơn) từ họ Bùi sang họ Phạm.
Sau khi báo phát hành, có đồng nghiệp phát hiện ra lỗi sai và báo cáo sự việc với Ban Biên tập. Tại cuộc họp giao ban công tác chuyên môn của cơ quan, vấn đề của tôi được nêu ra để nhắc nhở và rút kinh nghiệm sâu sắc cho những lần sau.
Bài học vào nghề khiến tôi nhớ mãi. Kinh nghiệm mà bản thân tôi rút ra là không chỉ trong quá trình thu thập thông tin phải cẩn thận, có sự thẩm định, xác minh kỹ càng mà trong quá trình thể hiện tác phẩm cũng phải thật sự cẩn trọng, kiểm tra lại từng câu từ để tránh những sai sót không đáng có.
Có lẽ từ lần "bút sa" ấy nên sau này, mỗi khi viết tin, bài tôi đều xem lại vài lần để phát hiện các hạt "sạn", sửa chữa lỗi chính tả, từ ngữ đến những câu văn diễn đạt chưa rõ nghĩa, chi tiết chưa thật chuẩn xác. Điều này cũng giúp ích rất nhiều cho tôi, nhất là khi nhận nhiệm vụ tại Phòng Chính trị, Báo Ninh Bình.
Hàng năm, chúng tôi thường xuyên viết bài tuyên truyền dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn và những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, của địa phương. Khi làm việc với các nhân vật, nghe nhân chứng kể lại ký ức về những tháng năm lịch sử, tôi luôn ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ lời kể của họ, đồng thời dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, đối chiếu với các tư liệu về lịch sử.
Đối với một tờ báo Đảng địa phương như Báo Ninh Bình, yêu cầu số một đó là mọi thông tin trên báo đều phải chính thống, mang tính thời sự, định hướng cao, tránh đưa thông tin kiểu "lá cải" để câu khách, câu "view". Do vậy, để xứng đáng là kênh thông tin tin cậy đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân đòi hỏi đội ngũ người làm báo phải nỗ lực cố gắng rất lớn để truyền tải kịp thời, chính xác các sự kiện đến với bạn đọc.
Nhóm phóng viên Phòng Chính trị chúng tôi thường xuyên được phân công thực hiện các tin, bài tường thuật, phản ánh những sự kiện chính trị lớn của tỉnh, của đất nước như: Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng toàn quốc qua các nhiệm kỳ; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm, làm việc tại tỉnh…
Với mỗi sự kiện lớn, chúng tôi đều có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, lên kế hoạch chi tiết, báo cáo, xin ý kiến của Ban Biên tập rồi phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi phóng viên. Để cập nhật tin, bài theo kịp tiến độ đề ra, phóng viên phải bám sát chủ đề, diễn biến của sự kiện, chú ý ghi âm những nội dung quan trọng đảm bảo đầy đủ, chính xác.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ và chia sẻ thông tin với các ban, ngành liên quan, với các đồng nghiệp báo bạn để bổ sung, hoàn thiện tác phẩm của mình. Nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng, đặc biệt là trách nhiệm cao trong công việc của nhóm phóng viên tác nghiệp nên nhiều năm qua, Phòng Chính trị luôn thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền trên lĩnh vực chính trị, công tác xây dựng Đảng, đảm bảo thông tin nhanh nhạy, chính xác, kịp thời, được đồng nghiệp, bạn đọc đánh giá cao.
Sau gần 15 năm làm báo, tôi nhận ra rằng nghề báo không chỉ khó khăn, vất vả mà việc phản ánh một sự việc nào đó cần xem xét nhiều chiều, khách quan, có sự kiểm định rõ ràng, đặc biệt phải luôn giữ cho "bút sắc, lòng trong, tâm sáng".
Nghề báo không có chỗ cho người cẩu thả, không cầu thị và thiếu sự nghiêm túc. Từng câu chữ thể hiện trình độ văn hóa, am hiểu của cá nhân tác giả, tuy nhiên đó là cũng thương hiệu, là "bộ mặt" của cơ quan báo chí, là uy tín trước độc giả. Không chỉ những lỗi diễn đạt cơ bản, nội dung của một bài báo nếu thiếu sự kiểm chứng sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn, nhất là khi tốc độ lan truyền thông tin nhanh chóng như hiện nay. Chính bởi vậy mà sự cẩn thận chắc chắn là một trong những yêu cầu mang tính quan trọng hàng đầu.
Có thể nói, không một nhà báo nào trưởng thành mà không đi qua đôi ba lần sai sót, dù khách quan hay chủ quan. Đó là điều khó tránh khỏi, nhưng mỗi nhà báo, nhất là những phóng viên trẻ, mới vào nghề phải biết tự nhìn nhận, sửa chữa để hoàn thiện các kỹ năng, bổ sung các kinh nghiệm để cho ra đời những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc, xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng.
Thùy Phương