Theo cảm nhận của những người tham dự, hoạt động nhân "Ngày sách Việt Nam" được tổ chức đã góp phần khơi dậy thói quen đọc sách mà lâu nay nhiều người đã bỏ quên.
Có mặt tại Thư viện tỉnh từ rất sớm, bác Trần Hữu Trí (phường Vân Giang, thành phố Ninh Bình) rất chăm chú tìm xem các cuốn sách về chiến thắng Điện Biên Phủ. Bác chia sẻ: Thời trẻ tôi đã đọc nhiều cuốn sách hay về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày đó, sách báo chưa phong phú, đa dạng như bây giờ, sách chủ yếu là sách cũ nhưng ai nấy cũng truyền tay nhau đọc say sưa và giữ gìn rất cẩn thận. Tôi thấy thế hệ trẻ ngày nay khá thờ ơ với sách, bị cuốn vào những "ma lực" của thời đại "công nghệ số". Những cháu thiếu niên, nhi đồng chỉ đọc những truyện tranh như: Đôremon, Bảy viên ngọc rồng…
Trò chuyện tại "Ngày sách Việt Nam", bác Nguyễn Văn Trò (Ninh Giang, Hoa Lư) chia sẻ: Chính vì thói quen đọc sách từ thời trẻ nên từ khi về nghỉ hưu đến nay đã 6 năm, bác đã trở thành một bạn đọc quen thuộc của Thư viện tỉnh. Với bác, mỗi lần đến Thư viện là như được "sống" trong thế giới của lịch sử, của văn hóa Việt Nam và thế giới… Ngay tại nơi bác sinh sống ở thôn La Mai, xã Ninh Giang, nhà văn hóa thôn có hẳn một tủ sách, các đầu sách lại được cập nhật thường xuyên nên thu hút khá đông người dân đến tìm đọc vào mỗi khi rảnh rỗi. Theo suy nghĩ của bác, phong trào đọc sách thời nay không mai một, mà nó vẫn sống và tồn tại trong đời sống xã hội như một nét đẹp văn hóa.
Không như suy nghĩ của lớp người có tuổi như bác Nguyễn Văn Trò, Trần Hữu Trí, với thế hệ trẻ ngày nay, việc đọc sách phần lớn chỉ giới hạn trong phạm vi sách giáo khoa. Nếu ở phạm vi giải trí, sách văn học, lịch sử ít được lựa chọn. Hỏi chuyện em Nguyễn Tùng Lâm (học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy) được biết: Em và các bạn cùng lớp vẫn thường xuyên đến đọc sách tại Thư viện của trường. Tuy nhiên, sách được chọn và tìm đọc chủ yếu là sách liên quan đến các môn học, nhất là môn chuyên mà các em đang theo học tại trường. Chính vì quỹ dành cho việc học chiếm phần lớn thời gian nên việc đọc sách văn học, lịch sử, xã hội… để bổ sung thêm kiến thức còn hạn chế.
Dạo quanh một số nhà sách trên địa bàn thành phố Ninh Bình, có thể thấy sách văn học, lịch sử dường như vắng bóng. Lý giải cho điều này, một người bán hàng cho biết: Bây giờ sách như một hàng hóa, phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng nên các cửa hàng, đại lý không dám nhập những loại sách không bán được… Nhiều cuốn sách được tìm mua nhiều đều thuộc thể loại: sách học cách làm giàu, sách làm đẹp, sách về tình yêu… Thậm chí, sách liên quan đến tử vi, tướng số lại bán khá chạy.
Ngay tại Thư viện tỉnh, để phục vụ nhu cầu đọc sách của người dân trên địa bàn, hàng năm Thư viện đều bổ sung từ 5.000- 6.000 cuốn sách các lĩnh vực. Hiện Thư viện có 92.000 cuốn sách truyền thống, 280.000 cuốn sách tài liệu, điện tử, phục vụ thuận lợi cho nhu cầu tìm đọc, tra cứu tài liệu của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Theo thống kê năm 2013, Thư viện đã thu hút 60.000 lượt bạn đọc tới tìm đọc, trong đó chủ yếu là đối tượng học sinh, sinh viên, hưu trí. Bên cạnh đó, hệ thống Thư viện các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh cũng thu hút số lượng độc giả nhất định đến đọc sách, mượn tài liệu. Tuy nhiên, nhìn vào con số nêu trên, nếu so sánh với dân số toàn tỉnh thì có thể thấy rõ tỷ lệ người đọc trong tỉnh chưa cao, số người tìm đọc sách chưa tương xứng với tiềm năng, sự đầu tư cho sách của ngành chức năng.
Thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 21-4 là "Ngày Sách Việt Nam", hưởng ứng "Ngày sách và bản quyền thế giới" 23-4, không chỉ tại Ninh Bình, mà tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã sôi nổi các hoạt động mang đậm ý nghĩa khuyến khích phong trào đọc sách trong cộng đồng, hướng đối tượng bạn đọc là học sinh, sinh viên xây dựng thói quen đọc sách lành mạnh, bổ ích.
Tham gia "Ngày sách Việt Nam" tại Thư viện tỉnh, dù trong quy mô trưng bày, giới thiệu nhỏ nhưng Thư viện tỉnh đã đưa giới thiệu hơn 500 cuốn sách được sắp xếp đẹp, có nhiều chủng loại, lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu người đọc thuộc các lứa tuổi: sách về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, sách về cuộc đời Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sách dành cho thiếu nhi, sách về văn học, xã hội, sách của các tác giả nổi tiếng trên thế giới…
Chị Lại Thị Thu Hà, Trưởng phòng nghiệp vụ, Thư viện tỉnh cho biết: Việc tổ chức "Ngày sách Việt Nam" nhằm mang lại cho bạn đọc những điều kiện tốt nhất để nâng cao nguồn tri thức, phục vụ cho công việc, học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng của nhiều người dân, nhất là giới trẻ, góp phần thúc đẩy và duy trì thói quen đọc sách truyền thống…
Bài, ảnh: Phan Hiếu