Về dự thảo Luật lý lịch tư pháp, các ý kiến đồng ý với phạm vi điều chỉnh của dự thảo, đề nghị bổ sung thêm vào phần giải thích từ ngữ cho rõ ràng, đầy đủ hơn về "thông tin lý lịch tư pháp về cấm đảm nhiệm chức vụ, không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã". Trách nhiệm cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm thời gian cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, việc quy định trách nhiệm cần gắn liền với thời gian để các cơ quan đơn vị, tổ chức có liên quan nâng cao tính chủ động trong việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.
Qua thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị việc tổ chức và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp nên giao cho Bộ tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý và thành lập Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ tư pháp vì tính chất quan trọng của lý lịch tư pháp đối với các quan hệ dân sự, đặc biệt là các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và đối với hoạt động của các cơ quan tố tụng. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị giao việc quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cho Bộ Công an để tận dụng được cơ sở kỹ thuật, bộ máy hiện có…
Tham gia thảo luận về nội dung dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Minh, đoàn Đại biểu Quốc hội Ninh Bình đã tham gia 2 nội dung: việc giao Trung tâm lý lịch tư pháp cho Bộ Tư pháp quản lý là phù hợp và theo yêu cầu cải cách tư pháp. Vì vậy cho nên điều 11 ghi là Chính phủ quy định về tổ chức của trung tâm này là không nên, mà đây là chức năng, nhiệm vụ của Bộ tư pháp. Bên cạnh đó, theo như viện dẫn của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Minh, trong điều 45, khoản 2 nên thêm: Trung tâm lý lịch quốc gia, Sở tư pháp thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan quản lý Nhà nước. Vấn đề thứ 2 về chức năng, nhiệm vụ, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Minh đề nghị giao cho giám đốc sở tư pháp ký phiếu và chịu trách nhiệm về nội dung phiếu lý lịch tư pháp.
Trong phần ý kiến thảo luận tại hội trường của đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình còn đề cập đến việc cung cấp thông tin, quy định về việc tòa án phải gửi quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho các sở tư pháp là việc không đúng và tòa án không thể thực hiện được, đề nghị xem xét vấn đề này, nên giao cho trại giam gửi các quyết định này, còn tòa án chịu trách nhiệm gửi các quyết định sơ thẩm hoặc giám đốc thẩm, phúc thẩm...
Về dự thảo Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, về cơ bản các đại biểu nhất trí với các nội dung của dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Đóng góp ý kiến bổ sung một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, các đại biểu tham gia ý kiến đối với 3 nội dung: Về tổ chức bộ máy biên chế (điều 14) đồng ý với phương án 2 của dự thảo luật là dựa vào đặc thù riêng thì Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét vị trí phù hợp để sắp xếp cán bộ, tạo bộ máy hoạt động hiệu quả mà không nhất thiết phải trao đổi với các bộ, ngành liên quan.
Về kinh phí (điều 15), đồng ý với phương án 1 của dự thảo luật đề nghị Chính phủ cần có hướng dẫn chi tiết về kinh phí đặc thù trong hoạt động ngoại giao nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí này. Về các nội dung liên quan đến cán bộ biệt phái ( khoản 8, điều 32), các ý kiến nhất trí với phương án việc bổ nhiệm, kéo dài nhiệm kỳ, cho thôi chức vụ và gọi về nước đối với cán bộ biệt phái được quyết định sau khi trao đổi mà không nhất thiết phải thống nhất ý kiến với Thủ trưởng cơ quan có cán bộ biệt phái…
Bùi Diệu