Nhìn chung các ý kiến phát biểu đều đồng thuận, nhất trí cao với dự thảo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT trình bày và dự thảo các Nghị quyết được các Phó Thủ tướng trình bày tại Hội nghị.
Nhiều địa phương đánh giá cao các dự thảo Nghị quyết của Chính phủ và cho rằng các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 là đầy đủ, chi tiết, có tính khả thi cao, đặc biệt là dự thảo Nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Các ý kiến cũng nêu bật những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình, khó khăn, tồn tại và những kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Các kiến nghị, đề nghị của các địa phương liên quan đến bộ, ngành nào đều được các Bộ trưởng lắng nghe, ghi nhận và giải đáp.
Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: Sau hơn 1 ngày làm việc, Hội nghị đã được nghe các đại biểu thảo luận rất sôi nổi, có trách nhiệm, thẳng thắn... Văn phòng Chính phủ tiếp thu, chỉnh sửa bổ sung vào các văn bản. Những kiến nghị cụ thể của các địa phương tổng hợp thành văn bản, liên quan đến Bộ, ngành nào gửi cho Bộ, ngành đó trả lời. Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành có thể góp ý, bổ sung trực tiếp vào các văn bản và gửi về Văn phòng Chính phủ.
Năm 2012, đất nước có những thuận lợi, nhưng khó khăn lại lớn hơn nhiều. Suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát, thiên tai, dịch bệnh... sẽ tiếp tục diễn biến khó lường. Nhưng đến nay đất nước đã đạt được những kết quả tích cực và đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát mà Quốc hội đề ra: Kiềm chế được lạm phát, duy trì tăng trưởng phù hợp, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng; chính sách đối ngoại được tăng cường, chính trị xã hội ổn định... Kết quả đó là điều kiện thuận lợi, là lợi thế của đất nước để phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.
Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế, tồn tại, khuyết điểm: Sức ép về lạm phát còn lớn, kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc, tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công còn chậm, hộ nghèo ở khu vực đồng bào dân tộc ít người còn cao; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều bất cập.
Mục tiêu, các chỉ tiêu của năm kế hoạch 2013 đã rõ, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương phải năng động, sáng tạo, thể chế hóa, cụ thể hóa cho phù hợp với từng ngành, địa phương.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ngay từ những ngày đầu tiên, tháng đầu tiên của năm kế hoạch 2013, nhất là khi những ngày Tết cổ truyền của dân tộc sắp đến. Cần đảm bảo đủ hàng hóa, thực hiện bình ổn giá, lưu thông tiền tệ thông suốt, ổn định tỷ giá ngoại tệ theo thị trường; khuyến khích xuất khẩu.
Các tỉnh, thành nỗ lực đảm bảo cân đối thu-chi ngân sách; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu ngân hàng. Tạo điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra giá trị cao, xuất khẩu lớn, tiêu tốn ít năng lượng... Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với 3 khâu đột phá: Tái cơ cấu đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư công, khắc phục đầu tư giàn trải; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (Nhân lực điều hành, quản trị doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp); tái cơ cấu ngân hàng. Tập trung cho công tác xóa đói giảm nghèo, trong đó đặc biệt chú ý đến vùng đồng bào dân tộc ít người. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng; kiềm chế tội phạm; giảm tai nạn giao thông; đấu tranh có hiệu quả với các thế lực thù địch, phản động lợi dụng công nghệ thông tin chống phá cách mạng; không để khiếu kiện đông người, kéo dài xảy ra. Đảm bảo quốc phòng-an ninh; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền.
Trước mắt cần tập trung đảm bảo cho việc vui Xuân, đón Tết cổ truyền Quý Tỵ vui tươi, lành mạnh, trong đó phải đảm bảo đủ hàng hóa, đủ phương tiện đi lại; có chính sách cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách...
Đinh Chúc