Theo các nhà xã hội học, "Đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội". Như vậy, đạo đức của ngành Y, hay nói cách khác, y đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi và mối quan hệ giữa thầy thuốc với người bệnh, người nhà người bệnh và với đồng nghiệp. Nhưng vì tính mạng, sức khỏe của con người là quý giá nhất, nên chỉ dựa vào dư luận xã hội, nghĩa là chỉ có y đức thôi chưa đủ, mà mỗi quốc gia đều đưa một số điểm quan trọng của y đức vào luật và các văn bản dưới luật, quy định bắt buộc cả thầy thuốc và người bệnh phải tuân thủ, người ta gọi đó là y đạo. Như vậy, y đạo là y đức đã được thể chế hóa thành các quy định, bắt buộc mọi người phải tuân thủ. Nói cách khác, y đạo là con đường đi của ngành Y, là hành lang pháp lý mà người hành nghề y phải tuân thủ. Cách đây gần 2.500 năm, ông tổ ngành Y Hypôcrat (460-370 Tr.CN), một thầy thuốc danh tiếng thời Hy Lạp cổ đại, những tư tưởng, kiến thức của ông cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, ông đã dạy người làm ngành Y phải có Y đức, đó là "Lời thề Hypôcrat":
"Tôi xin thề sẽ trung thành với quy tắc danh dự và sẽ liêm khiết trong khi hành nghề bác sĩ. Tôi sẽ săn sóc miễn phí cho người nghèo, không bao giờ đòi hỏi một sự thù lao quá đáng so với công sức đã bỏ ra. Được mời đến gia đình, mắt tôi không để ý đến mọi sự xảy ra, miệng tôi sẽ giữ kín những bí mật mà người bệnh đã thổ lộ. Tôi sẽ không lợi dụng địa vị của mình để làm đồi bại phong tục hoặc tán dương tội ác. Một lòng tôn trọng và biết ơn các thầy, tôi sẽ truyền bá cho các con cháu các thầy những giáo huấn mà tôi đã lĩnh hội được. Nếu tôi giữ trọn lời thề, người đời sẽ quý mến; nếu tôi thất hứa, tôi sẽ mang mối ô danh và cam chịu sự khinh bỉ của các bạn đồng nghiệp và của nhân dân".
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, một danh y Việt Nam thời hậu Lê, đã dạy y đức cho người thầy thuốc trước khi dạy họ làm thuốc. Cụ dạy: "Nếu nhà bệnh có mời, nên tùy bệnh nặng hay nhẹ mà đi xem, đừng thấy người phú quý mà đi trước, nhà nghèo khổ mà đi sau. Xem mạch cho đàn bà con gái, nhất là gái góa và ni cô, phải bảo một người đứng bên để tránh sự hiềm nghi. Đã là nhà làm thuốc phải để ý giúp người, không nên vắng nhà luôn, nhất là đi chơi. Chữa bệnh cho người nghèo và quan quả cô độc càng cần phải lưu ý, nhất là người con hiếu, vợ hiền hay nhà nghèo mà bệnh trọng thì ngoài việc cho thuốc, ta có thể trợ cấp thêm nếu họ không đủ ăn, như thế mới là nhân thuật. Khi bệnh nhân khỏi, chớ cầu trả lễ nhiều, nên để họ tự xử, vì làm thuốc là thuật thanh cao, thì người làm thuốc phải có tiết thanh cao. Tôi thường thấy các thầy thuốc tầm thường, hoặc nhân người bệnh ốm nặng, hoặc nhân lúc nguy cấp về đêm tối, mà bệnh dễ chữa bảo là khó, bệnh khó bảo là không chữa được; hay đối với người giàu sang quyền quý thì ân cần để tính lợi, với người nghèo túng thì lạnh nhạt coi thường, như vậy là bất lương, coi nghề làm thuốc cũng như nghề buôn bán là không được...".
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới, trong bức thư gửi cho cán bộ ngành Y tế ngày 27-2-1955 có đoạn: "Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật, và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. "Lương y phải như từ mẫu" .
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, cố Bộ trưởng Bộ Y tế, nhân một chuyến lên thăm Bệnh viện và công nhân lâm trường Thác Bà, Yên Bái, đã căn dặn: "Bệnh nhân đến tiếp đón niềm nở, Bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo".
Và còn biết bao nhiêu những điều răn dạy của các bậc danh y, biết bao người đã toàn tâm, toàn ý phục vụ người bệnh với cả cuộc đời mình. Không thiếu gì những người thầy thuốc đã lấy máu của mình để cho bệnh nhân khi cấp cứu, thậm chí có bác sĩ đã lấy cả "củ phong" chứa rất nhiều vi khuẩn phong (tức vi khuẩn gây bệnh hủi) nghiền nhỏ, tiêm vào cơ thể mình để chứng minh rằng phong là một bệnh khó lây... Đó chính là y đức.
Vậy đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, phải vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công...
Trong nhiều năm qua, ngành Y tế Việt Nam được cách mạng soi đường, Bác Hồ chỉ lối, có nhiều bước phát triển nhảy vọt về ứng dụng khoa học công nghệ vào trong công tác y tế dự phòng và khám, chữa bệnh. Khống chế được nhiều dịch bệnh nguy hiểm như SARS, cúm AH5N1...; Cứu sống được nhiều người bệnh nặng, hiểm nghèo; ghép tạng, can thiệp mạch, công nghệ tế bào gốc, thụ tinh trong ống nghiệm ... Ngành Y là một trong số ít ngành của nước ta phát triển ngang tầm thế giới. Xã hội, nhân dân luôn tôn trọng thầy thuốc và được gọi là Thầy. Cũng chính từ sự tin tưởng, quý trọng và giao phó tính mạng của mình cho thầy thuốc, đặc biệt là khi chuyển đổi cơ chế thị trường mà một bộ phận không nhỏ cán bộ y tế đã đánh mất đi phẩm chất đạo đức của nghề y, quên đi lời thề trước khi bước chân vào nghề. Coi việc chữa bệnh cứu người là đặc ân, là ban ơn nên người bệnh phải quà cáp cảm ơn; không tiếc lời quát mắng, thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau, nỗi nghèo khó của người bệnh. Thậm chí có người, có bệnh viện còn có quan điểm kinh doanh, thương mại hóa việc khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tính toán sao cho cân đối thu chi để có lãi nhiều. Không quan tâm đến chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng chăm sóc, phục vụ người bệnh.
Luật Khám, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế ra đời đều hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển; minh bạch, công khai, bình đẳng giữa người hành nghề y và người bệnh; hướng tới tăng quyền lợi được hưởng của người bệnh khi đi khám, chữa bệnh; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh lựa chọn cơ sở y tế để sử dụng dịch vụ. Cũng chính từ sự thay đổi cơ chế trên mà mỗi bệnh viện, mỗi cán bộ y tế đều phải thay đổi tư duy, nếp nghĩ, phong cách làm việc, thái độ phục vụ để sao cho người bệnh, người nhà người bệnh đến bệnh viện phải thấy hài lòng.
"Đổi mới phong cách và thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh" là một sự thay đổi lớn cả về nhận thức và hành động của ngành Y tế. Với cơ chế tài chính cho y tế tính đúng, tính đủ và đến năm 2018 sẽ đưa tiền lương và phụ cấp lương của cán bộ y tế vào giá dịch vụ. Người bệnh có quyền lựa chọn dịch vụ và nơi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh. Năm 2016 bắt đầu mở thông khám, chữa bệnh tuyến huyện, nghĩa là người bệnh có thẻ BHYT đến bất kỳ bệnh viện huyện nào trong tỉnh không cần giấy giới thiệu cũng được coi là đúng tuyến; tương tự như thế đến năm 2021 sẽ mở thông cho tuyến tỉnh. Như vậy, các bệnh viện không tự đổi mới mình, không có các dịch vụ chất lượng; cán bộ y tế không thay đổi nếp suy nghĩ nâng cao chất lượng chăm sóc, phục vụ, coi người bệnh là khách hàng thì sẽ có bệnh viện không có người bệnh và đồng nghĩa với việc không có tiền để trả lương cho cán bộ. Ngay từ bây giờ, mọi người từ nhân viên bảo vệ, người trông giữ xe, phục vụ nhà ăn, nhân viên hành chính, hộ lý, điều dưỡng, bác sỹ, dược sỹ đều phải học nhiều hơn nữa về kỹ năng giao tiếp, học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; trách nhiệm, hiệu quả trong công việc; cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ người bệnh. Người Giám đốc cần có năng lực lãnh đạo điều hành năng động, biết dự báo, mạnh dạn, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm. Bởi lẽ sự hài lòng của người bệnh không chỉ là thái độ phục vụ ân cần, chu đáo mà còn bao gồm cả môi trường bệnh viện xanh, sạch, đẹp; dịch vụ y tế chất lượng cao; thầy thuốc giỏi; an ninh tốt; an toàn thực phẩm của bệnh viện. Không cần gì là to lớn cả mà chỉ luôn coi người bệnh như bố mẹ, ông bà mình, con cháu mình thôi là đủ. Vậy thì việc gì mình làm cho người nhà mình khi vào viện thì cũng hãy làm như vậy cho người bệnh. Cán bộ y tế phải biết thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ người bệnh.
Vũ Văn Cẩn
Phó Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình