Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, những ngày nắng nóng giữa tháng 5, số lượng người bệnh đến khám và nhập viện đông hơn bình thường, trong đó chiếm đáng kể là những người già và người mắc các bệnh mãn tính như huyết áp, tim mạch, hô hấp… Trung bình mỗi ngày, Khoa khám bệnh tiếp nhận từ 1-1,2 nghìn người dân đến khám bệnh và nhập viện điều trị, trong đó có nhiều bệnh nhân đến từ tuyến huyện.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Để phục vụ người dân đến khám, chữa bệnh, tại Khoa khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh bố trí đầy đủ chỗ ngồi, nước uống, quạt máy, điều hòa nhiệt độ, đảm bảo thoáng, mát cho người bệnh trong thời gian chờ tới lượt khám. Phòng Tổ chức cán bộ và phòng Công tác xã hội tổ chức cán bộ tiếp đón nhanh chóng, thuận lợi, đáp ứng yêu cầu người bệnh, hướng dẫn phân luồng người bệnh đi làm các xét nghiệm cận lâm sàng hợp lý nhằm giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh. Đặc biệt, các cán bộ hướng dẫn và đội ngũ y, bác sĩ luôn cố gắng để đảm bảo tinh thần thái độ phục vụ được tốt nhất, tạo sự hài lòng, tin tưởng cho người dân.
Tại các khoa, phòng điều trị, người bệnh cũng được đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch, quạt điện, điều hòa nhiệt độ hợp lý, giúp bệnh nhân được điều trị trong điều kiện thoáng mát, sạch sẽ. Bệnh viện cũng đảm bảo đủ cơ số thuốc, dịch truyền, hóa chất… đặc biệt là giường bệnh, không để tình trạng thiếu giường phải nằm ghép. Đồng thời, Bệnh viện tổ chức cho khoa cấp cứu, đột quỵ phối hợp với các Khoa khám bệnh, truyền nhiễm sẵn sàng bố trí giường bệnh, phương tiện cấp cứu xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết bất thường xảy ra như: Đột quỵ, tim mạch, say nắng, say nóng…; trong đó chủ động giám sát, phát hiện sớm và phòng ngừa các bệnh sốt xuất huyết, viêm màng não mô cầu, tay chân miệng…
Để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh có thể xuất hiện và lây lan thành dịch, Bệnh viện tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng ngừa lây nhiễm chéo các loại bệnh truyền nhiễm như tả, lỵ, cúm, thủy đậu...; chú ý đến công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt là nguồn nước cung cấp cho bệnh viện. Đồng thời tổ chức phun thuốc diệt muỗi cho các khoa, phòng và buồng bệnh; giám sát, kiểm tra việc cung ứng thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm để chế biến, bảo quản và cung cấp các suất ăn cho người bệnh. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân và người nhà người bệnh về cách nhận biết và phòng tránh các bệnh thường xuất hiện trong thời tiết nắng nóng kéo dài…
Theo bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, 4 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận gần 3,8 nghìn ca bệnh cúm, gần 2 nghìn ca tiêu chảy, 210 ca thủy đậu, 154 ca viêm gan vi rút, 163 ca bệnh quai bị, 5 trường hợp mắc tay chân miệng… Các bệnh truyền nhiễm có số trường hợp mắc giảm so với cùng kỳ năm 2017, hoặc không ghi nhận trường hợp mắc (24/28 bệnh); tuy nhiên có 4/28 bệnh có trường hợp mắc tăng, gồm: viêm gan vi rút, quai bị, tay chân miệng, liệt mềm cấp. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã tích cực tuyên truyền và thực hiện tiêm chủng mở rộng các loại vắc xin như sởi, OPV, BCG, viêm gan B sơ sinh, viêm não Nhật Bản…; các chương trình phòng chống tiêu chảy, phòng chống suy dinh dưỡng… đạt kết quả cao.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè, Trung tâm Truyền thông GDSK, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với Trung tâm y tế huyện, thành phố, các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực… tập trung tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, như tuyên truyền cho nhân dân, người lao động và chủ lao động trên địa bàn hiểu và biết cách phòng tránh tác hại do nắng nóng gây ra đối với sức khỏe con người, như say nóng, say nắng, rối loạn thân nhiệt, mất nước, ngất, kiệt sức, gia tăng bệnh hô hấp, tim mạch, đột quỵ, ngộ độc thực phẩm, sốt cao co giật… Chỉ đạo các khu dân cư thực hiện vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải, diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết; khuyến cáo về phòng, chống dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả và các dịch bệnh mùa hè khác để mọi người dân biết cách bảo vệ sức khỏe và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng.
Cùng với đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức giám sát thường xuyên các ca bệnh truyền nhiễm từ các phòng khám bệnh, khoa truyền nhiễm, phòng khám đa khoa khu vực đến trạm y tế xã và cộng đồng để phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh dịch đầu tiên, kịp thời thu dung điều trị bệnh nhân, đồng thời tiến hành các biện pháp xử lý dịch không để lây lan ra diện rộng. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Đã tập huấn công tác phòng, chống dịch tại 8 huyện, thành phố cho trên 500 cán bộ y tế cơ sở… Chỉ đạo, theo dõi việc giám sát dịch bệnh trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú ý đến các ổ dịch cũ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cách phát hiện các loại dịch bệnh và các biện pháp dự phòng tại cộng đồng; có kế hoạch tiếp nhận, xử lý, điều trị các bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp và mới nổi.
Cũng theo bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, những năm gần đây, mô hình bệnh tật có nhiều thay đổi, không ít loại bệnh trước đây chỉ xuất hiện vào mùa đông - xuân như quai bị, thủy đậu, cúm… thì nay xuất hiện vào cả mùa hè. Vì vậy, để hạn chế dịch bệnh trong điều kiện thời tiết mùa hè khắc nghiệt, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của ngành Y tế, mà cần hơn cả là ý thức tự phòng vệ, quan tâm của mỗi người dân, để các loại dịch bệnh được đẩy lùi, đảm bảo sức khỏe cho mọi người, mọi nhà và cộng đồng.
Mỹ Hạnh