Đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nho Quan cho biết: Là địa phương có nhiều xã thuộc vùng xả lũ của tỉnh, để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão, lũ lụt, Trung tâm Y tế huyện thường xuyên chỉ đạo Trạm y tế các xã, thị trấn trong huyện quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh tới các tầng lớp nhân dân với mục tiêu nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lụt gây ra; phát hiện sớm, khống chế và kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên toàn huyện; giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong đến mức thấp nhất, khống chế không để dịch bệnh lan ra diện rộng. Theo đó, cùng với đẩy mạnh công tác truyền thông tại cộng đồng để nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh; các Trạm y tế xã, thị trấn đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; ngủ màn, ăn chín, uống nước đã đun sôi; thực hiện tốt chỉ tiêu 3 công trình vệ sinh tại các hộ gia đình...
Đặc biệt, những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8, trước diễn biến bất thường của thời tiết, do ảnh hưởng của các đợt mưa bão, các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng về thuốc men, hóa chất khử trùng và các vật dụng để kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh bùng phát. Mỗi trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã chuẩn bị 1 cơ số thuốc phòng, chống bão lụt, 1 cơ số thuốc phòng chống dịch bệnh. Tại mỗi Trạm y tế xã đã thành lập một đội phòng, chống dịch lưu động gồm 3 người, được tập huấn về công tác xử lý ổ dịch và phân công cán bộ bám sát địa bàn, phối hợp với các Trạm y tế và đội ngũ y tế thôn, bản giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện dịch bệnh sớm nhất. Cùng với đó, Trung tâm y tế huyện Nho Quan cũng chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và các điều kiện phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão với hàng chục cơ số thuốc dự trữ và cơ số thuốc ký hợp đồng với các Công ty dược để khi xảy ra dịch bệnh kịp thời phân bổ xuống các địa bàn thôn xóm, khu dân cư. Các điều kiện khác như máy phun hóa chất, máy phát điện, xe chuyên dụng… cũng được Trung tâm y tế huyện chuẩn bị đầy đủ. Đặc biệt, 2 đội phòng chống dịch lưu động được kiện toàn, mỗi đội 4 người, có đủ phương tiện như xuồng, áo phao, các vật tư, trang thiết bị khác theo yêu cầu phòng chống dịch.
Đồng chí Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra mưa to, dông gió trên diện rộng, kéo dài nhiều ngày. Mưa, bão, lũ lụt dễ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh. Nước ngập và tù đọng lâu ngày cũng là môi trường thuận lợi cho nhiều dịch bệnh, trong đó có loài muỗi, dễ sản sinh, phát triển và bùng phát thành dịch sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, việc người dân đi lại, sinh hoạt trong môi trường nước lũ ngâm lâu ngày rất dễ mắc bệnh đau mắt đỏ, các bệnh viêm nhiễm ngoài da, bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa…
Để chủ động ứng phó với các loại dịch bệnh có thể phát sinh trong mùa mưa bão, ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, các huyện, thành phố triển khai các bước phòng, chống, khắc phục hậu quả do mưa bão, lũ lụt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, không để dịch bệnh xảy ra, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện sinh hoạt còn khó khăn, thiếu thốn, đảm bảo các mục tiêu đặt ra là: Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên và xử lý kịp thời không để dịch lan rộng; 100% ca bệnh dịch phải được khoanh vùng xử lý kịp thời; 100% trạm y tế các xã chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất đầy đủ theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra; 100% đơn vị, cơ quan, trường học, thôn xóm, các tổ dân phố được phổ biến về tình hình, sự nguy hiểm của dịch bệnh.
Theo đó, ngành Y tế nói chung, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm y tế các huyện, thành phố nói riêng cần chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động trên địa bàn, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường trước, trong và sau thiên tai; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi xảy ra mưa bão, lũ lụt, như phương tiện dự trữ nước sạch, túi thuốc gia đình, thực phẩm an toàn, có những kiến thức cơ bản về ăn sạch, uống sạch, ở sạch…
Cùng với đó, ngành Y tế tỉnh cũng chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dụng cụ y tế, phương tiện, trang thiết bị, đội chống dịch cơ động… gồm 19 khoản cơ số thuốc, 16 khoản cơ số dụng cụ y tế phục vụ cho công tác PCTT&TKCN; 20 khoản dụng cụ y tế và 26 khoản phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho đội cấp cứu cơ động, đội chống dịch cơ động…, với hàng nghìn, chục nghìn viên thuốc kháng sinh, nước ăn chân, thuốc tra mắt, vitamin B1, C, bông, băng, gạc, bơm tiêm, túi chườm, máy đo huyết áp, khẩu trang, găng tay…; sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch và chi viện cho những vùng xảy ra dịch bệnh.
Đặc biệt, sau mưa bão, lũ lụt là lúc dịch bệnh dễ phát sinh và bùng phát, do vậy bên cạnh công tác tuyên truyền, các cơ sở y tế tăng cường các biện pháp phòng các bệnh thường gặp sau mưa lũ như tiêu chảy, đau mắt đỏ, tả, lỵ, thương hàn…; tiếp tục thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước và ngay tại hộ gia đình; chủ động xử lý triệt để khi có ngộ độc thực phẩm, xử lý ổ dịch phát sinh sau bão lụt, không để dịch bệnh lan rộng.
Thực tế hiện nay ở một số địa phương, công tác phối hợp phòng, chống dịch bệnh chưa tốt, trách nhiệm người đứng đầu, ý thức người dân chưa cao. Một bộ phận người dân còn lơ là, thiếu ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe, môi trường sống như: Bán và chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh; vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định; không khai thông cống rãnh, tạo nên ao tù, nước đọng; khi mắc một số bệnh còn chủ quan, tự chữa tại nhà… Đây là điều kiện và môi trường thuận lợi cho các loại bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch.
Công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, trong mùa mưa bão nói riêng, với tinh thần chủ động, kịp thời, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong là mục tiêu lớn nhất mà Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh và các huyện, thành phố đặt ra, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, các địa phương và từng cá nhân, hộ gia đình. Trong đó, điều quan trọng hơn cả là việc tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, chủ động xử lý làm sạch nguồn nước sinh hoạt, cách phòng chống dịch bệnh của từng cá nhân, từng hộ gia đình để mọi người, mọi nhà nắm được và nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của các cơ quan y tế, đảm bảo một cuộc sống khỏe mạnh, không bệnh tật.
Mỹ Hạnh