Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô 700 giường, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang. Được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh và ngành Y tế, Bệnh viện đã trang bị tương đối đầy đủ máy móc trang thiết bị, cùng với đội ngũ y, bác sỹ được tăng cường cả về con người và chuyên môn. Trong những năm qua, Bệnh viện đã tạo được bước tiến mạnh mẽ, cùng với tích cực cải cách thủ tục hành chính và nâng cao được chất lượng dịch vụ y tế, Bệnh viện đã từng bước đáp ứng được nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh và một số vùng lân cận. Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, Bệnh viện đã tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng KCB, tập trung vào các nội dung: điều chỉnh khung giá dịch vụ y tế; tiếp tục cải tiến quy trình KCB; chú trọng củng cố an ninh trật tự khu vực các khoa, phòng; tăng cường thêm các buồng khám, bác sỹ khám giúp cho lượng người bệnh được khám trong cùng thời điểm, khắc phục được tình trạng bệnh nhân phải chờ đợi lâu… Đặc biệt, Bệnh viện đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành hoạt động KCB; hướng tới thực hiện mục tiêu mỗi người bệnh vào viện sẽ có 1 mã bệnh nhân riêng, giúp nhân viên y tế dễ quản lý mà người bệnh không phải đi lại nhiều lần giữa các bộ phận; hướng đến thực hiện ứng dụng bệnh án điện tử.
Nhằm nâng cao chất lượng quản lý KCB, Bệnh viện đã tăng cường công tác nắm bắt tình hình người bệnh của các bác sỹ, điều dưỡng trực tiếp khám và điều trị cho người bệnh. Giám sát các dịch vụ y tế mà người bệnh sử dụng để nhập số liệu vào máy kịp thời, chính xác nhằm quản lý chặt chẽ, tránh nhầm lẫn, bỏ sót các dịch vụ đã được áp dụng. Đồng thời Bệnh viện tổ chức tiến hành khảo sát quy trình KCB để đảm bảo giảm bớt các bước trong KCB theo quy định của Bộ Y tế... Trong 6 tháng đầu năm 2016, Bệnh viện đã khám cho gần 120 nghìn lượt người, điều trị nội trú cho gần 20 nghìn lượt, điều trị ngoại trú cho trên 22 nghìn lượt, phẫu thuật cho gần 4 nghìn ca…, công suất sử dụng giường bệnh đạt trên 88%...
Theo đồng chí Ngô Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Y tế, trước đây, việc ứng dụng CNTT trong KCB chủ yếu phục vụ công tác quản lý chuyên môn tại bệnh viện như hồ sơ bệnh án, quản lý viện phí, quản lý dược, hệ thống xét nghiệm, hệ thống chẩn đoán hình ảnh… Các phần mềm chưa phục vụ nhiều trong công tác quản lý nhà nước về y tế. Công tác quản lý KCB và thanh toán BHYT được làm riêng lẻ, cục bộ, theo định kỳ hàng quý, số liệu không tập trung... dẫn đến hiệu quả không cao, khó phát hiện các sai sót, lạm dụng quỹ BHYT cũng như tốn nhiều thời gian và nhân lực.
Để nâng cao chất lượng quản lý hoạt động KCB tại các cơ sở y tế, từ tháng 3-2016, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT trong toàn ngành. Mục tiêu là đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc Sở, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan Sở Y tế và đơn vị trực thuộc Sở trên mạng. Theo đó, ngành xây dựng hệ thống điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử từ Sở Y tế đến UBND tỉnh, Bộ Y tế, các ban, ngành trong tỉnh, kết nối và liên thông dữ liệu và văn bản điện tử các đơn vị trong toàn ngành. Triển khai hệ thống CNTT tới từng đơn vị trong toàn ngành; ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, KCB, thanh toán BHYT tại tất cả các đơn vị trực thuộc Sở Y tế. Đồng thời triển khai hệ thống phần mềm quản lý y tế cơ sở và kết nối, liên thông dữ liệu KCB của tất cả các cơ sở y tế tại các tuyến với nhau và với Sở Y tế, cơ quan BHXH tỉnh; với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thông qua Cổng thông tin tích hợp y tế.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, ngành Y tế đã khảo sát, đánh giá hiện trạng hệ thống phần mềm, phần cứng trong công tác quản lý KCB và thanh toán BHYT tại các đơn vị trong ngành. Trang bị máy vi tính, các thiết bị CNTT đáp ứng việc ứng dụng CNTT theo như mục tiêu kế hoạch. Củng cố, nâng cấp hệ thống mạng máy tính của các đơn vị trong toàn ngành. Đảm bảo hệ thống mạng LAN, WAN, Internet tại các đơn vị hoạt động liên tục, thông suốt. Đồng thời hợp tác với Tập đoàn VNPT và VNPT Ninh Bình trong việc đảm bảo đường truyền Internet đảm bảo tốc độ, đáp ứng được việc sử dụng phần mềm chạy trên nền tảng điện toán đám mây và liên tục thông suốt. Ký hợp tác chiến lược với doanh nghiệp cung cấp phần mềm quản lý KCB và thanh toán BHYT đảm bảo đáp ứng được việc kết xuất dữ liệu theo yêu cầu của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam và kết nối liên thông được dữ liệu 4 tuyến từ trạm y tế xã lên đến Bộ Y tế.
Đánh giá bước đầu quá trình triển khai đồng loạt tại các cơ sở KCB trong toàn tỉnh cho thấy, hầu hết lãnh đạo các đơn vị khá quan tâm đến việc triển khai hệ thống ứng dụng CNTT tại bệnh viện. Bên cạnh đó, hệ thống phần cứng tại các bệnh viện và trạm y tế tương đối đầy đủ, đáp ứng được việc triển khai tại đơn vị. Ngoài ra, đa số các bệnh viện đã có bố trí cán bộ chuyên ngành CNTT. Đội ngũ cán bộ tại các bệnh viện đã sử dụng hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện nên việc tiếp cận phần mềm mới khá dễ dàng.
Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc Sở Y tế Ngô Ngọc Quang, việc triển khai phần mềm quản lý KCB và thanh toán BHYT giúp cho thông tin KCB và thanh toán BHYT được công khai, minh bạch, người tham gia BHYT được đảm bảo quyền lợi hợp pháp khi KCB. Đối với đơn vị, khâu tiếp nhận và KCB thuận lợi hơn, các thủ tục hành chính, thời gian chờ đợi và thanh toán BHYT được rút ngắn. Khi triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý, thanh toán BHYT, các đơn vị sẽ tiến hành nhập dữ liệu vào phần mềm, sau đó chuyển file dữ liệu về BHXH tỉnh để tiến hành giám định số liệu của các đơn vị KCB chuyển đến, rút ngắn thời gian và quy trình giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hồ sơ KCB. Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán BHYT là giải pháp kết nối liên thông hệ thống thông tin y tế giữa các cơ sở y tế và cơ quan BHXH. Đây là giải pháp đồng bộ, tập trung dữ liệu từ khâu tiếp nhận tại cơ sở y tế đến khâu giám định, thanh toán tại cơ quan BHXH. Hiện hai ngành BHXH và Y tế đang cố gắng khắc phục những vướng mắc, khó khăn trong công tác triển khai, từng bước hoàn thiện hệ thống thông tin giám định BHYT. Đồng thời tích cực hướng dẫn các đơn vị sử dụng hiệu quả các chương trình phần mềm để có thể thực hiện kết nối, liên thông, cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT trên hệ thống mạng điện tử toàn quốc, góp phần nâng cao chất lượng KCB và tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh