Ngay khi có thông tin về cơn bão số 3, Sở Y tế đã khẩn trương họp ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho các đơn vị, chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh huy động toàn bộ lực lượng để chủ động đối phó với bão, sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng, chống lụt bão, tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu các trường hợp bệnh nhân bị ảnh hưởng do mưa bão. Đặc biệt, xác định môi trường mưa bão sẽ là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh về đường tiêu hóa, bệnh ngoài da… phát sinh, các đơn vị y tế trong tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức để nâng cao ý thức cho người dân trong phòng, chống dịch bệnh, tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình.
Huyện Gia Viễn là địa bàn nhiều năm nay chịu ảnh hưởng bởi mưa bão bởi đây là vùng chiêm trũng, vẫn còn một số khu vực bị ngập lụt sau mưa bão. Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với cán bộ các trạm y tế xã tập trung tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người dân cách thức phòng, chống những dịch bệnh dễ xảy ra trong mùa mưa lũ như: nước ăn chân, nấm, tiêu chảy, đau mắt đỏ… Trong đó, tập trung hướng dẫn người dân thực hiện "ba sạch" trong sinh hoạt, chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong mỗi bữa ăn, làm tốt công tác vệ sinh môi trường tại khu dân cư. Với sự tư vấn, hướng dẫn của cán bộ y tế cơ sở đã giúp người dân nắm bắt được những việc cần phải làm trước, trong và sau mưa bão. Người dân tại các thôn, xóm đã tích cực triển khai công tác vệ sinh phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, sinh hoạt trước khi bão đến như: cất giữ lương thực, thực phẩm nơi cao ráo, đảm bảo tốt nguồn nước ăn bằng cách che đậy, bịt kín bể, giếng bằng vải mưa, tổ chức ăn uống đảm bảo ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện đã thành lập 2 tổ cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng chi viện cho các đơn vị khi có dịch bệnh, đảm bảo thường trực 24/24h, chuẩn bị cơ số thuốc chống dịch, CloraminB, đóng gói cơ động sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị khi cần thiết. Các phòng khám đa khoa khu vực Gián, Gia Lạc cũng chuẩn bị từ 2-3 cơ số thuốc để phòng, chống dịch bệnh trong khu vực được giao nhiệm vụ. Các trạm y tế đều cử cán bộ y tế xã, thị trấn trực tiếp phụ trách, quản lý từng địa bàn để kịp thời khám bệnh, đưa đi cấp cứu những trường hợp ốm đau đột xuất trong mưa bão, báo cáo tình hình dịch bệnh nếu xảy ra.
Cũng như Gia Viễn, huyện miền núi Nho Quan cũng có một số xã chịu ảnh hưởng bởi mưa bão như: Đức Long, Gia Tường, Thượng Hòa… Là địa phương nhiều năm phải đối phó với mưa bão nên người dân nơi đây đã nắm chắc kiến thức về phòng, chống dịch bệnh. Trước mùa mưa bão, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, máy móc, cơ số thuốc…để sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc truyền thông kiến thức về phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão được đẩy mạnh qua hệ thống truyền thanh, qua các tờ rơi được phát đến tận tay người dân… đã giúp cho nhiều gia đình có thêm kiến thức để tự vệ sinh phòng bệnh khi mưa bão đến.
Trong những ngày diễn ra mưa bão, nhiều hộ dân đã chú ý vệ sinh môi trường khu vực nhà ở và xung quanh. Các hộ chăn nuôi đã thực hiện vệ sinh chuồng trại, bảo vệ môi trường xung quanh. Những gia đình có sử dụng nước giếng, xây bể chứa nước sạch đều biết cách dùng ni lon bịt miệng giếng, bể nước khi mưa bão, chuẩn bị thực phẩm, rau sạch trong nhà để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho mỗi bữa ăn, phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa. Do là địa phương đang trong thời điểm bắt tay vào thu hoạch vụ mùa nên mặc dù mưa bão, vẫn có nhiều gia đình tranh thủ ra đồng gặt. Tại các trạm y tế, những ngày mưa bão và sau khi mưa bão kết thúc, đội ngũ cán bộ của trạm và y tế thôn, bản thường xuyên xuống tận các thôn, xóm để vận động, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi.
Với những gia đình có nguồn nước bị ảnh hưởng bởi mưa bão, cán bộ y tế còn hướng dẫn người dân cách khử khuẩn nguồn nước bằng CloraminB, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ, người già khi gặp thời tiết thay đổi… Các Trạm y tế đều sẵn sàng phương án đón tiếp và cấp cứu các trường hợp mắc bệnh trong điều kiện mưa bão, chủ động đến tận hộ gia đình để khám cho các trường hợp người cao tuổi, trẻ nhỏ để tránh các gia đình phải di chuyển người bệnh trong thời tiết mưa gió…
Bùi Diệu