Ninh Bình là một trong những địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp khá mạnh so với các tỉnh ở khu vực phía Bắc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Toàn tỉnh có 5 nhà máy sản xuất xi măng; 26 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung; 67 doanh nghiệp khai thác, chế biến đá; 42 tổ hợp khai thác đất đá san nền; 22 cơ sở khai thác đất sét làm gạch; 19 cơ sở sản xuất vôi; 88 cơ sở sản xuất gạch không nung. Theo số liệu tổng hợp năm 2010, sản lượng điện tiêu thụ cho ngành công nghiệp - xây dựng là 741,40 GWh, chiếm 71,53% sản lượng điện của toàn tỉnh. Dự kiến sản lượng điện dùng cho ngành công nghiệp - xây dựng đến năm 2015 là 1.808,19 GWh, chiếm 79,69% sản lượng điện của toàn tỉnh.
Theo Ông Hà Quang Điệp, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương): Tiết kiệm năng lượng của ngành vật liệu xây dựng được thể hiện qua 3 khâu chính đó là: Tiết kiệm năng lượng nhờ đầu tư dây chuyền sản xuất và quy trình sản xuất hiệu quả cao hoặc tiết kiệm năng lượng bằng cách sử dụng phế thải làm nguyên liệu, nhiên liệu. Nhưng vật liệu góp phần rất lớn vào tiết kiệm năng lượng, giảm tác động của môi trường lên các cơ thể sống của người, động vật. Đó chính là khả năng cách nhiệt, phản nhiệt giúp cho người sống, làm việc trong điều kiện mát hơn khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, ấm hơn khi điều kiện khí hậu ngược lại. Nhờ khả năng cách nhiệt đó đã làm giảm chi phí điện năng cho việc làm mát và sưởi ấm. Khả năng xuyên sáng của vật liệu, chủ yếu là các loại kính cách nhiệt, kính low E… giúp cho việc sử dụng ánh sáng điện vừa cải thiện điều kiện sống và tiết kiệm năng lượng. Vật liệu xây dựng lại có khả năng cách âm, giảm tác động của âm thanh đến điều kiện làm việc, sinh sống của con người.
Điều trùng hợp lý thú là khi nhà đầu tư tìm đến công nghệ cao trong sản xuất vật liệu xây dựng thì gần như đồng nghĩa với việc tìm đến giải pháp giảm tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, giảm tiêu hao năng lượng nhiên liệu trong sản xuất vật liệu xây dựng được bắt đầu từ khâu lựa chọn nguyên vật liệu để gia công, giảm thời gian, giảm chi phí điện năng, giảm khả năng mài mòn thiết bị và dĩ nhiên ngay từ khâu gia công đã góp phần giảm giá thành sản xuất. Sau khâu chế biến nguyên liệu, phối liệu, hầu hết các công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng đều có công đoạn nung. Đây là công đoạn có thể góp phần rất lớn vào việc tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường.
Để thực hiện được điều này, trong khâu tư vấn thiết kế đã phải lựa chọn nhiên liệu, quy trình công nghệ sản xuất, lựa chọn dây chuyền thiết bị tiên tiến. Tiết kiệm năng lượng ở khâu này không chỉ là sử dụng ít năng lượng, nhiên liệu cho 1 đơn vị sản phẩm mà nhiều công nghệ người ta còn tìm cách thu hồi nhiệt thừa để sử dụng vào mục đích sấy nguyên liệu, phối liệu trước khi nung cũng như tạo ra nguồn năng lượng mới. Nói chung, trong khâu tư vấn thiết kế đầu tư dây chuyền sản xuất, chủ đầu tư không chỉ quan tâm đến suất đầu tư mà điều quan trọng là quan tâm đến chi phí vận hành sản xuất để tạo ra sức cạnh tranh cho sản phẩm thông qua tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng.
Cũng chính từ khâu nghiên cứu thiết kế, tư vấn đầu tư, chủ đầu tư phải quan tâm đến chất lượng, tính năng của sản phẩm đầu ra, mà điều quan trọng tạo ra tính cạnh tranh chính là sản phẩm thân thiện với môi trường, cải thiện từ khâu xây dựng, giảm chi phí xây dựng công trình, cải thiện điều kiện sống và làm việc của con người, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác động của khí hậu, gió bão, ánh sáng. Nếu biết kết hợp giữa vật liệu xây dựng, kiến trúc và kết cấu xây dựng thì hiệu quả còn tăng lên gấp bội.
Ông Hà Quang Điệp cũng cho rằng: Để sử dụng năng lượng nói chung và điện năng nói riêng tại doanh nghiệp một cách có hiệu quả, lâu dài, ổn định và tiết kiệm, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại Ninh Bình cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu như: Xây dựng hệ thống quản lý năng lượng của doanh nghiệp; bố trí sản xuất hợp lý để tận dụng cơ chế điện 3 giá; thực hiện việc kiểm toán năng lượng; áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong hệ thống chiếu sáng; lắp biến tần cho các động cơ công suất lớn; các dự án xi măng đầu tư mới có công suất lò nung trên 2.500 tấn clanhke/ngày trở lên phải đầu tư ngay hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện và phải hoàn thành trước năm 2015. Những dự án xi măng có công suất dưới 2.500 tấn clanhke/ngày thì được khuyến khích nghiên cứu, đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện.
Nguyễn Thơm