Đây là năm thứ 3 liên tiếp ngành Hải quan Ninh Bình về đích trước hẹn, đồng chí Phạm Hồng Thanh, Cục trưởng Cục hải quan Hà Nam Ninh cho biết: Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, ngay từ đầu năm 2017, Cục Hải quan Hà Nam Ninh đã tập trung triển khai các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan trên toàn địa bàn 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Đồng thời chú trọng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo đó, đến nay đơn vị đã tổ chức thành công 2 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn, duy trì và đẩy mạnh hoạt động của nhóm công tác, tổ tư vấn Hải quan - Doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thu hút đầu tư.
Song song với công tác hỗ trợ doanh nghiệp, Cục Hải quan Hà Nam Ninh đã chỉ đạo Chi cục Hải quan Ninh Bình áp dụng các biện pháp để xác định những doanh nghiệp trọng điểm, rủi ro cao để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát phù hợp, từ đó tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Qua đó đã giải quyết được một số vụ việc nợ đọng thuế kéo dài từ trước khi Cục được thành lập, đồng thời đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách Nhà nước, tránh phát sinh nợ đọng kéo dài.
Đồng thời, Chi cục Hải quan Ninh Bình đã phối hợp với các ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra đôn đốc thu nộp ngân sách ở các doanh nghiệp, theo dõi và xử lý vướng mắc hàng ngày, chủ động làm việc với doanh nghiệp nộp thuế lớn tháo gỡ vướng mắc, làm tăng nguồn thu cho ngân sách...
Đề cập đến vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp những tháng cuối năm, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Ninh Bình cho biết: Ngành thuế đã chỉ đạo các bộ phận chức năng tổ chức rà soát, đánh giá lại các thủ tục hành chính (TTHC) đề xuất các cấp có thẩm quyền cắt giảm tối đa các TTHC rườm rà, không cần thiết để giảm chi phí tuân thủ TTHC thuế cho các doanh nghiệp.
Đồng thời tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các TTHC nội bộ, bảo đảm nhanh, gọn, khoa học, thuận tiện, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Một trong những cải cách TTHC của ngành thuế được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao trong thời gian qua đó là việc triển khai áp dụng thí điểm việc tiếp nhận và trả kết quả hoàn thuế GTGT bằng phương thức điện tử giai đoạn 1 cho 8 doanh nghiệp tiêu biểu được lựa chọn. Hiện nay, Cục Thuế tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để tiến tới cuối năm 2017 sẽ thực hiện hoàn thuế GTGT bằng phương thức điện tử cho 100% số doanh nghiệp có nhu cầu.
Với mục tiêu CCTTHC theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, ngành thuế Ninh Bình đang đẩy mạnh triển khai công tác kê khai thuế qua mạng Internet, nộp thuế điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác quản lý thuế trên địa bàn, thực hiện kịp thời, hiệu quả, tiết kiệm thời gian chi phí nhân lực, giảm tải các TTHC thuế trong kê khai nộp thuế.
Theo đó, công khai 100% bộ TTHC thuế theo Quyết định số 1500/QĐ-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính trên website Cục Thuế tỉnh Ninh Bình () và tại trụ sở cơ quan thuế các cấp để các doanh nghiệp biết và dễ dàng thực hiện. Niêm yết công khai địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 05/2014/TT-BTP ngày 7/2/2014 của Bộ Tư pháp.
Theo đánh giá của đồng chí Đinh Nam Thắng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Toàn ngành đã triển khai thành công ứng dụng quản lý thuế tập trung. Toàn tỉnh đã có 3.562 doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế qua mạng Internet, đạt tỷ lệ 100% so với số doanh nghiệp phải thực hiện kê khai và 3.416 doanh nghiệp đăng ký thành công dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế và ngân hàng thương mại, đạt 96% trên tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh.
Ngành thuế cũng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008 vào quá trình giải quyết công việc, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế.
Tạo thuận lợi cho người nộp thuế và các doanh nghiệp, ngành thuế cũng đã phối hợp với các cơ quan có liên quan trong giải quyết TTHC. Chỉ đạo các bộ phận chức năng thực hiện đầy đủ các quy định về công bố, công khai, minh bạch TTHC và giải quyết phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức.
Phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong việc đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và khắc dấu tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức kinh doanh trong quá trình làm thủ tục đăng ký thuế. Phối hợp với Bộ phận một cửa liên thông các huyện, thành phố trong việc giải quyết công việc liên quan đến chính sách thuế khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Theo chỉ đạo lãnh đạo cục thuế, các đơn vị trong toàn ngành phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kiểm soát TTHC tại các cơ quan thuế để kịp thời xử lý nghiêm các phòng, đơn vị trực thuộc để xảy ra tình trạng chậm công bố, công khai, niêm yết thủ tục hành chính hoặc thiếu trách nhiệm, chậm trễ, gây phiền hà trong giải quyết TTHC đối với NNT.
Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 2351/QĐ-TCT ngày 11/12/2015 của Tổng cục Thuế về việc ban hành Quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thuế của người nộp thuế theo cơ chế một cửa tại cơ quan thuế và các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục thuế, Cục Thuế tỉnh đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa trong toàn ngành, gắn công việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan thuế vào với chức năng nhiệm vụ cụ thể của từng bộ phận chuyên môn.
Nơi làm việc của Bộ phận một cửa có vị trí thuận tiện, dễ nhìn, dễ thấy, dễ tiếp cận tạo điều kiện thuận lợi cho danh nghiệp khi giao dịch với cơ quan thuế.
Cán bộ, công chức bố trí làm việc tại bộ phận một cửa đều đảm bảo có trình độ chuyên môn tốt, có tinh thần, thái độ, tác phong làm việc nhanh nhẹn, hòa nhã, gây thiện cảm với NNT ngay từ khâu đầu tiên trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC thuế cho NNT.
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2017, Cục Thuế tỉnh đã tiếp nhận và trả lời 47 văn bản hỏi của người nộp thuế; giải quyết và trả kết quả 4.434 hồ sơ đăng ký thuế; 240 hồ sơ hoàn thuế; 2.445 hồ sơ miễn giảm thuế; xử lý 9.700 hồ sơ về hóa đơn và 9999 hồ sơ khác của NNT.
Đồng chí Đinh Nam Thắng cũng cho biết: Để hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2017, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình tiếp tục triển khai, đẩy mạnh rà soát các văn bản pháp luật, các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế, kịp thời phát hiện các TTHC không phù hợp để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa TTHC, rút ngắn các bước công việc trong quá trình giải quyết các TTHC thuế.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ những khó khăn, khắc phục những hạn chế, rào cản làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư.
Đối với Cục Hải quan Hà Nam Ninh, đồng chí Phạm Hồng Thanh, nhấn mạnh: Bên cạnh những giải pháp nhằm tăng thu ngân sách theo chỉ tiêu dự toán phấn đấu được Bộ Tài chính giao trong năm 2017, Cục sẽ chỉ đạo Chi cục Hải quan Ninh Bình chú trọng công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành đối với các doanh nghiệp hoạt động theo loại hình kinh doanh, gia công, sản xuất, xuất khẩu, chế xuất, đầu tư… và thanh tra nội bộ.
Qua đó kịp thời phát hiện hành vi gian lận thương mại cũng như sai sót của cán bộ công chức hải quan để có biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời.
Bên cạnh đó, Cục Hải quan cũng sẽ chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, có giải pháp cụ thể đối với từng khoản nợ. Thực hiện công tác phân loại, quản lý nợ theo đúng hướng dẫn của Tổng cục Hải quan. Phấn đấu thu hồi và xử lý nợ đạt và vượt chỉ tiêu thu hồi nợ được giao.
Nguyễn Thơm