Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, vì sao Nhà nước phải ban hành Luật thuế TNCN?
Đồng chí Đỗ Văn Hoan (ĐVH): Việc ban hành Luật thuế TNCN là cần thiết nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và nhà nước về lĩnh vực tài chính.
Ban hành Luật thuế TNCN nhằm thực hiện công bằng xã hội, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thu nhập và điều tiết, phân phối lại thu nhập, thu hẹp hợp lý sự chênh lệch về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, đảm bảo sự phát triển ổn định của nền kinh tế.
Khác với thuế gián thu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt...) động viên thu nhập xã hội thông qua tiêu dùng của các tổ chức và cá nhân, khác với thuế thu nhập doanh nghiệp điều tiết vào thu nhập của doanh nghiệp, thuế TNCN động viên một phần TNCN, thể hiện nghĩa vụ cụ thể của công dân đối với đất nước. Công dân được hưởng những thành quả của đất nước: cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội, an ninh trật tự... thì đồng thời có nghĩa vụ đóng góp một phần thu nhập của mình cho xã hội thông qua việc nộp thuế. Thuế TNCN được xây dựng trên nguyên tắc "công bằng" và "khả năng nộp thuế", được thể hiện: người có thu nhập thấp thì chưa nộp thuế, người có thu nhập cao thì nộp thuế nhiều hơn, người có thu nhập như nhau nhưng có hoàn cảnh khác nhau thì nộp thuế cũng khác nhau. Thực hiện nộp thuế TNCN góp phần làm giảm hợp lý khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp dân cư.
Kiểm tra nộp thuế tại hộ kinh doanh. Ảnh: M.H
Chính vì vậy, thuế TNCN được nhiều nước áp dụng từ rất sớm, ngay từ khi nền kinh tế chưa phát triển, thu nhập của dân cư cũng chưa cao, điều kiện kiểm soát thu nhập còn hạn chế. Đến nay, đã có trên 180 nước trên thế giới áp dụng loại thuế này.
Ban hành Luật thuế TNCN góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hiện nay, việc động viên thu nhập của cá nhân vào ngân sách nhà nước đang được thực hiện bởi 3 văn bản pháp luật thuế: thu nhập của cá nhân kinh doanh thực hiện theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập từ tiền lương, tiền công, trúng thưởng xổ số, chuyển giao công nghệ thực hiện theo quy định của Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao; thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất. Việc thực hiện chính sách thuế như nói trên trong thời gian qua là tương đối phù hợp, nên đã phát huy tác dụng trong quản lý và thu ngân sách.
Trong những năm tới, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được tiếp tục hoàn thiện và phát triển mạnh mẽ (thị trường tài chính tiền tệ, thị trường vốn, chứng khoán, thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường công nghệ,...) tạo điều kiện cho các cá nhân có thêm nhiều nguồn thu nhập khác nhau ngoài nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công (đầu tư vào sản suất kinh doanh, dịch vụ, đầu tư tài chính, chuyển nhượng vốn, chứng khoán,...). Đồng thời, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, không chỉ có người Việt Nam mà người nước ngoài đến làm ăn, sinh sống, có thu nhập tại Việt Nam cũng ngày càng gia tăng.
Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục áp dụng 3 loại thuế như hiện hành đối với thu nhập của cá nhân là không còn phù hợp. Vì chưa đảm bảo sự công bằng, bình đẳng về nghĩa vụ thuế: cũng là thu nhập của cá nhân nhưng thu nhập từ kinh doanh thì nộp thuế 28% trên tổng thu nhập ; nhưng thu nhập từ tiền công, tiền lương trên mức 5 triệu đồng /tháng mới nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần từ 10% đến 40%. Nghĩa vụ thuế còn phân biệt giữa người Việt Nam và người nước ngoài (người Việt Nam nộp thuế cao hơn). Chưa có chính sách thuế điều tiết thống nhất thu nhập cá nhân trong một văn bản pháp luật như thông lệ quốc tế.
Do vậy việc ban hành Luật thuế TNCN là để hoàn thiện một bước hệ thống chính sách thuế của nước ta, góp phần khuyến khích cá nhân tích cực lao động, đầu tư phát triển sản suất kinh doanh, làm giàu chính đáng và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ổn định, bền vững.
PV: Luật thuế TNCN có điểm gì mới so với chính sách thuế hiện đang áp dụng?
ĐVH: Luật thuế TNCN so với Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao có những điểm mới là:
Về đối tượng nộp thuế: cá nhân kinh doanh đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân có thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và một số thu nhập theo Pháp lênh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện hành sẽ được điều chỉnh bởi Luật thuế TNCN. Ngoài ra, có bổ sung thêm đối tượng nộp thuế là cá nhân có thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng tài sản, thu nhập từ thừa kế, quà tặng.
Thu nhập chịu thuế được mở rộng đối với các khoản như: thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản trong đó có chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở hoặc quyền sử dụng đất ở; chuyển nhượng quyền thuê đất, thuê mặt nước; Một số khoản thu nhập từ thừa kế, quà tặng; thu nhập từ trúng thưởng trong các hình thức cá cược, casino.
Thay việc áp dụng mức khởi điểm chịu thuế bằng quy định về giảm trừ gia cảnh và mở rộng áp dụng đối với cá nhân có thu nhập từ kinh doanh.
Người nộp thuế được trừ vào thu nhập trước khi tính thuế đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học; khoản đóng góp vào các tổ chức cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa.
Xác định cụ thể về thu nhập tính thuế để đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu, đặc biệt là khi xác định thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú. Ngoài khoản giảm trừ gia cảnh, thu nhập này còn được trừ thêm các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo để áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần.
Quy định riêng về thu nhập tính thuế, biểu thuế giữa các cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú. Thống nhất nghĩa vụ thuế giữa người Việt Nam và người nước ngoài.
PV: Tại sao lại đưa hộ kinh doanh (đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp) sang diện chịu thuế thu nhập cá nhân?
ĐVH: Trên thực tế hộ kinh doanh chỉ là cá nhân hoặc nhóm cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, vì vậy việc đưa đối tượng này vào diện điều chỉnh tại Luật thuế TNCN nhằm đảm bảo sự bình đẳng về chính sách thuế đối với thu nhập cá nhân và cũng là phù hợp với quy định của pháp luật thương mại về đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Luật thương mại thì người đứng tên đăng ký kinh doanh của hộ cũng chỉ là một cá nhân. Mặt khác, nếu tiếp tục thu thuế thu nhập doanh nghiệp với đối tượng này sẽ không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp
Từ ngày 1/1/2009 hộ kinh doanh đang nộp thuế thu nhập Doanh nghiệp sẽ chuyển sang nộp thuế thu nhập cá nhân
PV: Những thu nhập nào thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân?
ĐVH:Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại sau đây:
Thu nhập từ kinh doanh;Thu nhập từ tiền lương, tiền công;Thu nhập từ đầu tư vốn;Thu nhập từ chuyển nhượng vốn;Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản;Thu nhập từ trúng thưởng;Thu nhập từ bản quyền;Thu nhập từ nhượng quyền thương mại;Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng;
Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
PV: Ngành thuế đã và sẽ triển khai như thế nào để thực hiện Luật thuế TNCN trong thời gian tới?
ĐVH: Thuế Thu nhập cá nhân là đạo luật mới ban hành, áp dụng đầy đủ các quy định về phương pháp tính thuế, chiết trừ gia cảnh và cơ chế quản lý... theo thông lệ quốc tế. Luật này có liên quan trực tiếp đến cơ quan thuế, cơ quan chi trả thu nhập, các cơ quan có liên quan và quảng đại quần chúng nhân dân. Thời gian qua cơ quan thuế các cấp đã triển khai tổ chức lại bộ máy quản lý, thành lập Phòng thuế Thu nhập cá nhân (ở Cục thuế), Đội thuế Thu nhập cá nhân (ở Chi cục thuế).
Tổ chức tập huấn Luật thuế Thu nhập cá nhân cho cán bộ công chức trong ngành. Cung cấp tài liệu về Luật thuế cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Rà soát cấp mói số thuế cho các đơn vị chi trả thu nhập, cá nhân kinh doanh, cá nhân làm công, cá nhân đầu tư vốn... Tham gia ý kiến vào dự thảo xây dựng Nghị định, Thông tư, Quy trình quản lý thuế TNCN. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong thời gian tới, cụ thể: Báo cáo với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc triển khai công tác tuyên truyền Luật thuế Thu nhập cá nhân. Tổ chức tập huấn Luật thuế Thu nhập cá nhân cho người nộp thuế trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Tư pháp, Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và truyền hình Ninh Bình... tổ chức tốt các chuyên trang, chuyên mục về chính sách thuế trên các phương tiện truyền thông ở địa phương; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong việc tuyên truyền và thực hiện tốt Luật thuế TNCN. Ngoài ra ngành thuế còn đồng thời thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ khác... Vỡ vậy, việc thực hiện Luật thuế TNCN trên địa bàn Ninh Bình trong thời gian tới tin rằng sẽ đạt kết quả tốt.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
P.V