Sản xuất theo nhu cầu thị trường
Trong bức tranh kinh tế nông nghiệp Ninh Bình những năm gần đây, bài toán trồng cây gì, nuôi con gì đã và đang được giải đáp. Cùng với quá trình định hướng của cơ quan chuyên môn, kết hợp với thực tiễn tìm tòi, sáng tạo của nông dân, diện tích cây trồng, con nuôi được chuyển đổi ngày một tăng. Tư duy "Chỉ biết làm lương thực" giờ đã chuyển sang tư duy "Nông nghiệp làm giàu" với hàm lượng trí thức và khoa học công nghệ cao.
Lão nông Đỗ Văn Bính, xóm 2 (xã Gia Vượng, Gia Viễn) dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày vẫn cùng các con đẩy xe rùa chất đầy thức ăn cho cá ra ao nuôi. Hai năm trước, ông Bính đã biến hơn 2 ha đất ruộng lúa thành ao nổi nuôi cá. "Ruộng sâu trũng nên cấy lúa năm được năm mất.
Năng suất thấp, giá cũng thấp nên không thể giữ cây lúa mãi được. Phải chuyển đổi!" - ông Bính nói. Giờ với hơn 2 ha mặt nước, mỗi năm bố con ông Bính thu hoạch hơn chục tấn cá chép, trắm đen, trôi, mè các loại… lãi khoảng 200 triệu đồng. Theo ông Bính, nuôi cá cũng có lúc thắng, lúc thua nhưng tính chung vẫn lãi gấp chục lần trồng lúa.
Trong khi đó, ở xã Gia Tân, nhiều nông dân nuôi bò đã biến cánh đồng lúa thành những cánh đồng cỏ. Các hộ gia đình ở đây cho biết, khi nuôi từ 2 con bò trở lên thì phải nghĩ đến việc trồng cỏ. Bởi nuôi bò bán giống hoặc bò thịt đều phải tính đến lợi nhuận.
Khi bò được cho ăn đầy đủ sẽ phát triển nhanh, chất lượng thịt tốt hơn chăn thả tự nhiên. Hơn nữa, những giống cỏ trồng có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhiều so với cỏ tự nhiên. Một cặp bò nếu chăm sóc tốt thì 1 năm có thể cho lãi 20-30 triệu đồng.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo các quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng được nhắc đến ngày một nhiều. HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn Khánh Thành (xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh) đang được coi là tiên phong cho một xu hướng mới trong việc nâng cao chất lượng nông sản.
Ngoài khu vực trồng lúa 35 ha được cấp chứng nhận VietGAP với sản phẩm đã được Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng con nuôi Ninh Bình bao tiêu, thu mua chế biến để đưa vào các chuỗi cửa hàng, siêu thị thì mới đây 12 loại rau canh tác trên diện tích 15 ha ở các xóm 4,7,13 cũng đã nhận được chứng nhận này.
Ông Phạm Văn Thẫn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết: Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sạch của người dân ngày một tăng, do vậy các hộ nông dân chúng tôi cùng liên kết lại với nhau tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có kiểm soát.
Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp & PTNT, vừa qua HTX đã đưa vào sử dụng hơn 3.500 m2 nhà lưới, đồng thời lắp đặt hệ thống giàn tưới phun mưa bán tự động cho trên 3.000 m2 trồng rau khác.
Qua đó, giúp xã viên dần tiếp cận với các công nghệ sản xuất tiên tiến, giảm công lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, các sản phẩm rau của HTX đang được một số doanh nghiệp đặt vấn đề để bao tiêu.
Chuyển động trước thách thức
Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Ninh Bình đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó nét nổi bật là nông dân đã bắt đầu sản xuất theo định hướng và nhu cầu thị trường, sản xuất nông nghiệp đang dần gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm. Đối với cây lúa đã từng bước chuyển dần sang sản xuất lúa hàng hóa, chất lượng cao, phương thức sản xuất lúa đang được cải tiến thông qua hình thức gieo thẳng, tưới nước tiết kiệm, hiệu quả sản xuất tăng từ 10-15%.
Đặc biệt, những diện tích trồng lúa kém hiệu quả đang được chuyển đổi nhanh sang chuyên canh cây làm thức ăn chăn nuôi hoặc thả cá. Bên cạnh đó, đến nay, các huyện, thành phố đã cơ bản hoàn thành dồn điền, đổi thửa. Đây là điều kiện thuận lợi hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng công nghệ cao và tổ chức xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đến nay, Ninh Bình đã mở rộng diện tích trồng cây rau đậu các loại lên trên 10 nghìn ha, sản lượng đạt trên 150 nghìn tấn. Cây trồng dược liệu gần đây cũng khá phát triển, tập trung ở các huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Nho Quan.
Ngoài ra, phần diện tích ruộng trũng chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản đã lên tới cả nghìn ha. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016 ước đạt 8.293 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2015. Giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác đạt trên 100 triệu đồng/ha, tăng gần 4 triệu đồng so với năm 2015. Cá biệt, có những mô hình đạt 300-400 triệu đồng/1ha, qua đó, nâng cao đời sống thu nhập của người dân.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc phát triển ngày càng nhiều mô hình kinh tế mới đã dần tạo được sự đồng thuận trong nhận thức của các địa phương, HTX, nông dân trong việc thực hiện tái cơ cấu lại ngành hàng với mục đích cuối cùng là nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Tuy nhiên, để tạo bước tiến mới đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các địa phương, những mô hình điểm hiện có trên địa bàn cần được nuôi dưỡng và phát huy. Cần khuyến khích hơn nữa tinh thần khởi nghiệp trong nhân dân. Ngành Nông nghiệp cũng như địa phương phải sát cánh hơn với nông dân.
Bên cạnh đó, bước vào hội nhập, việc tự do hóa thương mại đòi hỏi mặt hàng nông sản phải đạt yêu cầu rất cao mới có thể đáp ứng nhu cầu thị trường, việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sẽ không tạo được sự đồng nhất là trong chất lượng sản phẩm cũng như khó hạ giá thành.
Do vậy, bản thân HTX và nông dân phải tự tổ chức lại sản xuất, sắp xếp mô hình sản xuất của mình theo hướng giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Phải có cách làm mới tạo ra sản phẩm an toàn thì bài toán đầu ra ổn định mới được giải quyết.
Bài, ảnh: Nguyễn lựu, Trường Giang