Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp. Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, đại diện lãnh đọa một số sở, ngành có liên quan.
Năm 2021, ngành Nông nghiệp & PTNT tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch bệnh COVID- 19 ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản... Tuy nhiên, ngành vẫn đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Nổi bật là: Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 42 tỷ USD mà Chính phủ đưa ra.
Có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo, cao su). Sản xuất lúa: Sản lượng đạt 43,86 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá gạo xuất khẩu tăng từ 496 USD/tấn năm 2020 lên 503 USD/tấn năm 2021.
Giá trị gia tăng toàn ngành Nông nghiệp năm 2021 ước tăng khoảng 2,85 - 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%.
Cơ cấu lại Ngành nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại.
Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy cả 3 trục sản phẩm, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng; đến hết năm 2021 phân hạng và công nhận 5.320 sản phẩm OCOP, tăng 1,66 lần so với năm 2020.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng. Hết năm 2021, cả nước có 5.614 xã (68,2%) đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 17 tiêu chí/xã; có 213 đơn vị cấp huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; có thêm 3 tỉnh, thành phố với 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (Thái Bình, Cần Thơ, Hải Dương), đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Với Ninh Bình, năm 2021, ngành Nông nghiệp & PTNT cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 9.649,7 tỷ đồng, tăng 2,87% so với năm 2020.
Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác (đất trồng trọt và mặt nước nuôi trồng thủy sản) đạt 143,2 triệu đồng, tăng 3,4 triệu đồng so với năm 2020. Chỉ đạo sản xuất trồng trọt thắng lợi toàn diện trên cả hai vụ. Trong đó, năng suất lúa bình quân cả năm đạt đỉnh cao mới 61,22 tạ/ha. Diện tích lúa đặc sản, chất lượng cao tiếp tục được mở rộng, chiếm 72,5% tổng diện tích gieo cấy.
Về chương trình xây dựng NTM, lũy kế đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 117/119 xã đạt chuẩn NTM, nâng tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM lên 98,3%, có 16 xã NTM nâng cao, 11 xã NTM kiểu mẫu, 4 huyện đạt chuẩn NTM (Hoa Lư, Yên Khánh, Gia Viễn, Yên Mô), thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Bước sang năm 2022, ngành Nông nghiệp xác định tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM nhằm hướng tới xây dựng nền "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Chỉ tiêu cơ bản năm 2022 của ngành là: Tốc độ tăng trưởng toàn ngành 2,8 - 2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 2,9 - 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 49 tỷ USD; tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn NTM trên 73%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu tham luận làm rõ hơn kết quả của ngành nông nghiệp trong năm 2021, một số bài học kinh nghiệm, đồng thời kiến nghị một số nội dung liên quan đến vấn đề chuyển đổi số, logistic, liên kết chế biến, vốn…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, sự đồng hành của các doanh nghiệp, ủng hộ của nhân dân, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định, tăng trưởng dương, thu ngân sách tăng, hoạt động xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục mới.
Trong thành tích chung này có đóng góp quan trọng của ngành Nông nghiệp. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế: Thực tế ngành Nông nghiệp Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh, nhất là kinh tế biển.
Ngành chưa thực sự chủ động mà còn phụ thuộc nhiều vào thị trường, thời tiết. Công nghệ chế biến sau thu hoạch chưa thực sự được chú trọng, thị trường xuất khẩu chưa đa dạng. Chúng ta chưa có nhiều sản phẩm mang tầm quốc gia, quốc tế…
Do vậy, Thủ tướng đề nghị, ngành Nông nghiệp, các địa phương cần đánh giá kỹ lưỡng, tìm ra nguyên nhân của những bất cập này, từ đó tìm ra giải pháp để khắc phục. Trong đó, coi trọng công tác xây dựng chiến lược, xây dựng quy hoạch, cũng như tập trung vào công tác dự báo thị trường.
Tăng cường khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nâng cao năng suất lao động. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp phân quyền, đi đôi với cá thể hóa trách nhiệm.
Nâng cao năng lực chế biến, tăng cường xuất khẩu chính ngạch, đa dạng hóa trị trường. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người nông dân, nhất là vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, phát triển nhanh về chương trình quốc gia NTM.
Nguyễn Lựu - Minh Đường