Ngành Nông nghiệp làm gì để đảm bảo mục tiêu kế hoạch đề ra? Phóng viên (PV) Báo Ninh Bình đã trao đổi với đồng chí Vũ Nam Tiến, TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT về vấn đề này.
PV: Tình hình mưa lũ trong thời gian qua đã ảnh hưởng tới ngành Nông nghiệp như thế nào thưa đồng chí?
Đồng chí Vũ Nam Tiến: Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới nên từ ngày 9/10 đến ngày 11/10/2017, khu vực tỉnh Ninh Bình có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông.Lượng mưa đo được tại các địa phương từ 207,9mm - 433,8 mm, mực nước trên các triền sông đều vượt báo động 3, riêng tại Bến Đế vượt báo động 3 là 1,53m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1985 là 30cm.
Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, huyện Gia Viễn, huyện Nho Quan họp bàn tìm phương án tốt nhất cho người dân; sau đó thống nhất phấn đấu giữ tràn đến cao trình + 5,6m; đồng thời yêu cầu địa phương phối hợp với cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và PTNT, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi... phân công người đi tuần tra, canh gác các tuyến đê để xử lý giờ đầu các sự cố.
Đến 7h ngày 12/10 là 5,53m và mực nước bắt đầu rút dần. Đã chủ động huy động toàn bộ 100% lực lượng tuần tra canh gác, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố trên toàn bộ hệ thống đê điều, hồ đập. Đảm bảo an toàn cho người và hệ thống đê điều, không phải xả tràn Lạc Khoái.
Đợt mưa lũ vừa qua đã gây ảnh hưởng khá lớn đối với ngành Nông nghiệp tỉnh Ninh Bình. Sơ bộ nhận thấy: Nhiều diện tích lúa mùa bị ngập sâu trong nước, một số diện tích bị mất trắng, một số diện tích lúa ngập trong biển nước nẩy mầm, ảnh hưởng đến chất lượng lúa gạo... tình trạng này có ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.
Hơn 2 nghìn ha cây vụ đông mới trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng; hàng nghìn con gia súc, hàng chục nghìn con gia cầm bị chết và cuốn trôi; hàng nghìn ha thủy sản bị ngập tràn bờ hoặc ngập trắng.
Hiện tại, ngành Nông nghiệp đang tập trung phối hợp với các địa phương và cơ quan thống kê để rà soát, đánh giá chính xác thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp của từng địa phương do mưa lũ vừa qua gây ra.
PV: Nguy cơ không đạt được tốc độ tăng trưởng đang hiện hữu. Vậy ngành Nông nghiệp đã có chủ trương, giải pháp gì?
Đồng chí Vũ Nam Tiến: Để đảm bảo cho phát triển, ngành Nông nghiệp đã có một số chủ trương, giải pháp nhằm khôi phục sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng ngành.
Đó là: Đề nghị với Trung ương hỗ trợ thiệt hại do thiên tai theo Nghị định 02 của Chính phủ, đồng thời hỗ trợ khẩn cấp một số vật tư để khôi phục sản xuất như: Hạt giống lúa, ngô, rau, hóa chất xử lý môi trường chăn nuôi, thủy sản…
Triển khai ngay một số giải pháp: Thu hoạch nhanh gọn lúa mùa; đẩy mạnh sản xuất vụ đông ở các địa phương, tập trung vào sản xuất các cây ưa lạnh, có giá trị kinh tế cao như khoai tây, rau ưa lạnh và coi đây là giải pháp quan trọng với tinh thần "Trời làm mất, bắt đất phải bù".
Ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn lúa mùa sau đợt lũ. Ảnh: Nông dân xã Gia Lạc thu hoạch lúa mùa bị ngập úng. (Đức lam)
Về chăn nuôi: Tập trung xử lý tốt môi trường nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi tập trung, chú trọng các con nuôi tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm như gà, lợn...
Về thủy sản: Tập trung xử lý môi trường nước, đảm bảo an toàn dịch bệnh; sửa chữa khẩn trương ao, bờ; tiếp tục thả cá giống có kích thước lớn và tăng trưởng nhanh như cá chép, cá trôi; đẩy mạnh khâu sản xuất giống thủy sản phục vụ cho trước mắt và năm 2018; tăng cường sản xuất nuôi trồng và khai thác thủy hải sản vùng ven biển Kim Sơn...
Tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng lĩnh vực để khôi phục sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng ngành.
PV: Sau đợt mưa lũ này, ngành Nông nghiệp có được những bài học gì trong việc ứng phó và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra?
Đồng chí Vũ Nam Tiến: Một số bài học kinh nghiệm rút ra được trong công tác phòng, chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại đó là: Bám sát thông tin về tình hình mưa lũ, tranh thủ sự chỉ đạo của cấp trên, Bộ, ngành, Trung ương, tham mưu kịp thời cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai kịp thời, quyết liệt công tác ứng phó với mưa lũ.
Nắm chắc hiện trạng hệ thống đê điều trên địa bàn toàn tỉnh, từng vị trí xung yếu, khả năng chịu được các mực nước lũ, các phương án xử lý sự cố… tham mưu kịp thời với lãnh đạo tỉnh đưa ra quyết định sáng suốt, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nhân dân.
Các sở, ngành, đơn vị, địa phương chấp hành, triển khai nghiêm túc các Công điện, Lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống mưa lũ, di dân trên địa bàn tỉnh.
Duy trì trực ban 24/24 giờ, nắm bắt đầy đủ diễn biến mưa lũ; phân công lãnh đạo tới các trọng điểm trực tiếp chỉ huy, điều hành. Chủ động, linh hoạt, tập trung lực lượng, phương tiện, trang thiết bị; phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để sơ tán, di dời dân và TKCN tại các vùng ngập lụt, lũ, sạt lở; ứng cứu ở các khu vực bị cô lập, chia cắt, góp phần quan trọng trong việc hạn chế, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Đinh Chúc
(Thực hiện)