Cụ thể, vụ lúa đông xuân thời tiết đầu vụ không thuận lợi, rét đậm, rét hại kéo dài kèm theo mưa đã làm 20-40% diện tích mạ và lúa mới cấy của Ninh Bình bị thiệt hại. Ngành nông nghiệp cùng các địa phương đã kịp thời triển khai các phương án khắc phục, đảm bảo đủ mạ gieo cấy, tập trung cho khâu chăm sóc nên năng suất lúa đông xuân bình quân toàn tỉnh vẫn tăng 0,3%, đạt 66,15 tạ/ha. Tuy nhiên, do diện tích giảm nên sản lượng lúa vụ này cũng giảm 0,03% so với cùng vụ năm trước.
Bước sang vụ mùa, do ảnh hưởng của cơn bão số 1 đã làm 7,7 nghìn ha lúa bị mất trắng phải gieo lại. Thậm chí, một số diện tích ruộng trũng không tiêu được nước ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư không thể gieo cấy lại. Do vậy, tổng diện tích gieo cấy ở vụ chỉ đạt trên 37 nghìn ha, giảm 1,3% so với cùng vụ năm trước.
Đặc biệt, thời điểm cuối vụ, bệnh bạc lá hoành hành, khiến cho hàng nghìn ha lúa bị bệnh, ảnh hưởng đến năng suất. Ước năng suất vụ mùa năm nay đạt 52,9 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha; sản lượng đạt 196 nghìn tấn, giảm 4 nghìn tấn so với cùng vụ năm trước. Nhìn chung, ở ngành trồng trọt, nhiều chỉ số có sự suy giảm.
Trong bối cảnh khó khăn, nhưng hai lĩnh vực nổi lên như những điểm sáng về tăng trưởng sản xuất là chăn nuôi và thủy sản. Nhu cầu về các sản phẩm thịt tăng, giá bán sản phẩm duy trì ở mức cao và ổn định đã kích thích người chăn nuôi đầu tư, mở rộng quy mô.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường quản lý giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nên tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tương đối ổn định. Hiện toàn tỉnh đang có 510 trang trại, gia trại chăn nuôi.
Sản lượng thịt hơi (trâu, bò, lợn, gà) xuất chuồng 9 tháng năm nay đạt trên 48 nghìn tấn, tăng so với cùng kỳ năm trước.
Về thủy sản, những năm gần đây các đối tượng nuôi đã từng bước được đa dạng hơn, một số địa phương đã xây dựng được những vùng sản xuất tập trung cho hiệu quả kinh tế cao.
Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2016 ước đạt trên 11 nghìn ha, vượt 1,4% so với kế hoạch và tăng 8,3% so với cùng kỳ; riêng nuôi cá ruộng trũng đạt trên 4 nghìn ha, tăng 12,3%. Sản lượng thủy sản ước đạt trên 32 nghìn tấn, tăng hơn 1 nghìn tấn so với cùng kỳ.
Những tháng cuối năm 2016, mặc dù sản xuất nông nghiệp được dự báo sẽ còn đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Nông nghiệp & PTNT tỉnh vẫn quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng trên 2%. Quyết tâm này dựa trên nhiều cơ sở, đặc biệt là các chính sách, nghị quyết, Đề án thúc đẩy, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn được ban hành thời gian qua.
Chẳng hạn như đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đã phát huy được hiệu quả: Đối với cây lúa, từng bước chuyển dần sang sản xuất lúa hàng hóa, chất lượng cao, phương thức sản xuất lúa đang được cải tiến, hiệu quả sản xuất tăng từ 10-15%. Nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả đã chuyển đổi sang chuyên canh cây làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cây trồng hàng năm có hiệu quả kinh tế cao hơn…
Công tác dồn điền, đổi thửa đã tạo điều kiện thuận lợi, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng công nghệ cao và tổ chức xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, quy mô công nghiệp, an toàn sinh học.
Song song với đó là việc triển khai các chính sách đặc thù do HĐND tỉnh ban hành đã khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đang được phổ biến và nhân rộng…
Những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm mà ngành Nông nghiệp &PTNT đưa ra trong thời gian tới để giữ vững chỉ tiêu tăng trưởng được xác định là: Với trồng trọt, tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn lúa mùa để sản xuất vụ đông, phấn đấu diện tích vụ đông năm 2016 đạt trên 9 nghìn ha. Tận dụng tối đa những diện tích lúa mùa sớm, mùa trung để sản xuất cây vụ đông ngắn ngày.
Ưu tiên mở rộng diện tích các loại cây dễ làm, dễ bảo quản, có đầu ra, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và có hiệu quả kinh tế cao.
Bố trí hợp lý cơ cấu giữa nhóm cây ưa ấm, nhóm cây ưa lạnh; đa dạng hóa cây trồng, mở rộng diện tích sản xuất các loại rau đậu áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp VietGAP, GAP…
Chủ động công tác dự báo kịp thời, chính xác tình hình dịch hại, các biện pháp phòng trừ nhằm hạn chế đến mức thấp thiệt hại gây ra trên cây trồng vụ đông.
Về chăn nuôi, đây là ngành được đặt hy vọng sẽ bù lại tăng trưởng cho ngành trồng trọt và hiện chăn nuôi đang có nhiều thuận lợi. Hiện nay, dịch bệnh trong chăn nuôi đang được kiểm soát tốt trong khi thị trường tiêu thụ đang rất rộng mở.
Vì vậy, ngành chăn nuôi sẽ tận dụng cơ hội này để thúc đẩy sản xuất nhưng phải đảm bảo tính bền vững. Trước mắt, tập trung mở rộng quy mô đàn để phục vụ thực phẩm cho người tiêu dùng dịp cuối năm, ưu tiên các đối tượng như lợn, gia cầm và một số con nuôi đặc sản khác.
Cùng với đó, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát tốt việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm; tiêm phòng vắc xin vụ thu đông đảm bảo an toàn dịch bệnh. Cùng với đó, tiếp tục giám sát việc sử dụng chất cấm, kháng sinh nhằm tiếp tục đẩy lùi, ngăn chặn việc lạm dụng các chất này trong chăn nuôi.
Về thủy sản, cần theo dõi sát sao để hướng dẫn người nuôi kỹ thuật quản lý, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho các đối tượng nuôi; quản lý, cảnh báo môi trường dịch bệnh vùng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là vùng nuôi tôm nước lợ, vùng ruộng trũng chuyển đổi. Hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rét. Có kế hoạch thu hoạch thủy sản ruộng trũng, tránh thất thoát, đảm bảo sản lượng cũng như để trả ruộng cho sản xuất vụ đông xuân.
Hà Phương