Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Năm 2014, tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn có sự tăng trưởng mạnh, đạt 23.501 tỷ đồng, tăng 14,7%. Tổng dư nợ cho vay tăng 17,2% so với đầu năm; nguồn vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay, ước 9.576 tỷ đồng, chiếm khoảng 25,1%; các dự án lớn của tỉnh 4.661 tỷ đồng, chiếm khoảng 12%; vay phát triển nông nghiệp, cụ thể là chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ước đạt 11.750 tỷ đồng, bằng 30,8% so với tổng số dư nợ, cho vay ở 31 xã làm điểm xây dựng nông thôn mới, ước 1.670 tỷ đồng; các dự án về mở rộng và phát triển du lịch cho vay ước đạt 480 tỷ đồng, chiếm 1,3%; vay để đầu tư sản xuất và làm hàng xuất khẩu 460 tỷ đồng…
Đồng chí Phạm Đức Ánh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Bình cho biết: Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đầu tháng 7-2014, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và ký kết hỗ trợ vốn vay. Chương trình là dịp để các tổ chức tín dụng trên địa bàn mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng đầu tư cho vay, đồng thời tìm hiểu, tháo gỡ những khó khăn, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ngay trong buổi đối thoại ngân hàng và doanh nghiệp đã có 12 hợp đồng được ký kết, với số dư cho vay 507 tỷ đồng, trong đó có 4 hợp đồng mới với số dư cho vay trên 60 tỷ đồng, 3 hợp đồng giảm lãi suất với số dư cho vay 22 tỷ đồng, 5 hợp đồng nâng hạn mức tín dụng với số dư cho vay 425 tỷ đồng. Trong năm, bằng những giải pháp tháo gỡ quyết liệt của hệ thống ngân hàng tỉnh Ninh Bình, đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng với tổng dư nợ 38.165 tỷ đồng. Các ngân hàng trên địa bàn đã ký kết hỗ trợ cho 57 doanh nghiệp vay vốn 1.669 tỷ đồng, đến cuối tháng 12 đã giải ngân được 759 tỷ đồng, bằng khoảng 50% lượng vốn đã ký kết. Ngành ngân hàng trên địa bàn cũng bám sát các chương trình hỗ trợ lãi suất vốn vay theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản và Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp cho 1.101 lượt khách hàng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân với số dư vay 1.302 tỷ đồng… phần nào khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đối với Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, qua tìm hiểu, cần phải có sự hoàn thiện về mặt văn bản pháp lý. Để đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng đưa ra các giải pháp trong năm 2015 là: Chấp hành nghiêm túc các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế nợ xấu, chủ động triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát việc chấp hành quy định về tín dụng, tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, tăng cường quản trị điều hành các hệ thống, kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Các Ngân hàng thương mại trên địa bàn sẽ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp huy động vốn, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh toán, đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng và các yêu cầu thanh toán của khách hàng. Thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo nhu cầu vốn hợp lý cho phát triển kinh tế, ưu tiên tập trung vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động… tạo điều kiện thuận lợi khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nguyễn Minh