Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng (TCTD) cấp trên về tăng trưởng dư nợ tín dụng, ngay từ đầu năm, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã tích cực, chủ động tìm kiếm khách hàng có tình hình tài chính tốt, tăng cường tuyên truyền về các chương trình, các gói tín dụng với lãi suất hấp dẫn để thu hút khách hàng, mở rộng cho vay. 6 tháng đầu năm nay, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, TCTD đạt 77.148 tỷ đồng, tăng 5,5% so với đầu năm.
Trong đó, dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại, ngân hàng HTX, ngân hàng chính sách xã hội và quỹ tín dụng nhân dân đạt 72.248 tỷ đồng, tăng 5,8% so với đầu năm; dư nợ cho vay của ngân hàng phát triển đạt 4.900 tỷ đồng, tăng 1,1% so với đầu năm.
Ngành Ngân hàng cũng đã triển khai có hiệu quả một số chương trình cho vay như Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đã hỗ trợ cho 195 doanh nghiệp với số tiền cam kết hỗ trợ là 3.751 tỷ đồng. Dư nợ đến hết tháng 6/2019 là 2.700 tỷ đồng. Chương trình cho vay bình ổn thị trường, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã cam kết hỗ trợ cho 4 doanh nghiệp số tiền 120 tỷ đồng, doanh số cho vay 1.250 tỷ đồng, dư nợ cho vay 82 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho biết: Để có được kết quả trên, thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét giảm lãi vốn vay trên cơ sở khả năng trả nợ của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, TCTD cấp trên.
Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng, TCTD xem xét ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau đối với các khoản nợ đến hạn mà khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ, xem xét cho vay mới đối với các nhu cầu vốn vay có hiệu quả.
Tính đến hết tháng 6, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ của các ngân hàng, TCTD trên địa bàn là 450 tỷ đồng. Tổng nợ được xử lý rủi ro là 1.220 tỷ đồng. Các ngân hàng, TCTD trên địa bàn thực hiện tốt việc quản lý nợ và xử lý nợ xấu, hầu hết các Chi nhánh ngân hàng, TCTD có tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ trên dưới 1%.
Theo ông Nguyễn Thừa Vũ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh: Để tạo điều kiện tối đa cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, Agribank Ninh Bình đã công khai, minh bạch thông tin về hoạt động, quy trình thực hiện các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ các dịch vụ của hệ thống ngân hàng, công khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi....
Rút ngắn tối đa thời gian giải quyết cho vay các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng: thời gian thẩm định, thời gian giải ngân, thời gian kiểm tra trước khi cho vay... Đồng thời, tăng cường hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng trước, trong và sau khi cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay và hạn chế rủi ro tiềm ẩn.
Đặc biệt, hiện nay 100% chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2008 vào hoạt động quản lý của các chi nhánh ngân hàng, TCTD. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nói chung và giải quyết thủ tục hành chính nói riêng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp và cung ứng dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước.
Cùng với đó, các thủ tục hành chính của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hoạt động ngoại hối đã có thể thực hiện qua mạng internet và một số thủ tục hành chính khác có thể thực hiện qua dịch vụ bưu điện.
Các chi nhánh ngân hàng thương mại đã thực hiện tốt công tác thông tin báo cáo, thông tin đa dụng phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, góp phần ngăn ngừa rủi ro tín dụng. Các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng chủ động trong công tác truyền thông về hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ Ngân hàng.
Nguyễn Thơm