Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Bình cho biết: Ngay từ đầu năm, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước (NHNN) tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu được giao.
Chi nhánh chủ động cơ cấu lại khoản vay cũ, tăng hạn mức tín dụng, tích cực tìm kiếm và tiếp cận khách hàng tiềm năng, nhất là đối với các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh. NHNN tỉnh còn hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện chương trình kết nối "Ngân hàng - Doanh nghiệp", chương trình "Bình ổn thị trường" theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục triển khai chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, chương trình cho vay hỗ trợ chăn nuôi, cho vay hỗ trợ du lịch, phát triển thủy sản trên địa bàn…
Thực hiện kế hoạch đề ra, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt được những kết quả tích cực. Tính đến hết năm 2015, dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 42.436 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2014.
Đặc biệt, tín dụng đã đi đúng hướng, tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và cho vay các lĩnh vực ưu tiên. Một trong những lĩnh vực ưu tiên là tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Có thể thấy, chính sách tín dụng đã khơi thông dòng chảy tín dụng về khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Năm 2015, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn của các Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 9.200 tỷ đồng, chiếm 21,68% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Trong đó dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 6.500 tỷ đồng, chiếm 70,65% dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Cũng trong khuôn khổ cho vay tín dụng khu vực nông thôn, nhằm thúc đẩy kinh tế hộ và nâng cao đời sống nhân dân đạt tiêu chí về thu nhập theo tiêu chuẩn nông thôn mới, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tập trung cho vay chăn nuôi. Năm 2015, dư nợ cho vay chăn nuôi đạt 650 tỷ đồng, chiếm 1,53%/tổng dư nợ, tăng 57,8% so với cùng kỳ.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng đã tập trung tín dụng cho vay các lĩnh vực kinh tế mà tỉnh khuyến khích phát triển. Cụ thể: Năm 2015, dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 416 tỷ đồng; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 9.466 tỷ đồng; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ ước đạt 101 tỷ đồng; dư nợ cho vay các dự án kinh tế lớn của tỉnh đạt 3.367 tỷ đồng; dư nợ cho vay phát triển du lịch đạt 969 tỷ đồng…
Đồng hành cùng các doanh nghiệp trong tăng cường các hoạt động sản xuất, kinh doanh, NHNN tỉnh thực hiện các chương trình kết nối "Ngân hàng - Doanh nghiệp", triển khai nhiều chương trình ưu đãi với doanh nghiệp. Trong đó, vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và khu vực trực tiếp sản xuất, kinh doanh thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh có quan hệ tín dụng với 90 doanh nghiệp tham gia chương trình kết nối, với số tiền cam kết cho vay là 2.046 tỷ đồng, dư nợ trong năm đạt 1.400 tỷ đồng.
Đối với chương trình cho vay bình ổn thị trường, NHNN tỉnh đã yêu cầu các chi nhánh ngân hàng thương mại tiếp cận các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường và các doanh nghiệp ngoài chương trình nhưng có tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa gắn kết với doanh nghiệp bình ổn thị trường.
Trong đó tập trung cho vay đối với các mặt hàng thực phẩm và đồ tiêu dùng thiết yếu để cung cấp nguồn vốn tín dụng ưu đãi, áp dụng lãi suất và chính sách cho vay phù hợp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình đảm bảo hiệu quả, thiết thực, đạt kết quả cao nhất. Năm 2015, trên địa bàn đã có 6 doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi với số tiền cam kết cho vay hỗ trợ là 45 tỷ đồng, dư nợ đạt 35 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi là 7,2%/năm.
Thực hiện chương trình cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, NHNN tỉnh đã có văn bản yêu cầu các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn cho vay phát triển theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh Ninh Bình.
Để thực hiện chương trình này, NHNN tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ thống nhất giao cho các chi nhánh ngân hàng thương mại tiếp cận, hướng dẫn chủ tầu hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, thẩm định và cho vay đối với từng đối tượng khách hàng cụ thể.
Đến nay, các chi nhánh ngân hàng đã tiếp cận được 2 chủ tầu nhưng chưa giải ngân được do chủ tầu chưa hoàn thiện các thủ tục hồ sơ cần thiết.
Thời gian tới, để đưa nguồn vốn ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế, hỗ trợ tối đa các dự án phát triển sản xuất, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo định hướng và các biện pháp nhằm kiểm soát tăng trưởng tín dụng của NHNN và tổ chức tín dụng cấp trên.
Ưu tiên nguồn vốn tập trung cho phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động, dự án, phương án kinh doanh có hiệu quả.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Chi nhánh NHNN tỉnh tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng nhằm tạo điều kiện giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh n
Nguyễn Thơm